Giảm nghèo từ nhận thức

08:44 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 14354 In bài viết

ĐBP - Thời điểm này, cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố đang rà soát, thống kê hộ nghèo trên địa bàn. Theo nhận định thì tỷ lệ hộ nghèo phải giảm hơn so với năm 2017. Nhưng để công tác xóa đói giảm nghèo thực sự bền vững, hạn chế tối đa tình trạng “thích” nghèo… cần có sự thay đổi nhận thức từ người dân cho đến đội ngũ thực hiện chính sách.

 

Dù khó khăn về nguồn lực nhưng nhiều hộ đã nỗ lực làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trong ảnh: Người dân bản Huổi Ngan, xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) chăm sóc đàn dê. Ảnh: Phong Lâm

Tỉnh ta có tỷ lệ nghèo cao, nhất là sau khi áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), với cách đo lường dựa trên các tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trong khi hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Ðiều này khiến tỷ lệ hộ nghèo tăng cao so với giai đoạn 2011 - 2015; nhiều hộ đã thoát nghèo từ giai đoạn trước nay lại tái nghèo và được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Từ thực tế cho thấy, số hộ tái nghèo trong giai đoạn chuyển giao cách tiếp cận, đo lường hộ nghèo đã có những tác động tâm lý, tư tưởng nhất định. Một số hộ trước đây đã vươn lên thoát nghèo theo chuẩn nghèo cũ khi áp dụng chuẩn nghèo mới, trở lại là hộ nghèo, đã phát sinh suy nghĩ rằng: Mình phấn đấu mãi mới thoát được nghèo, mà nay Nhà nước lại đưa mình... nghèo trở lại! Và dù có tình nguyện không vào danh sách nghèo thì cũng không được bởi các dịch vụ xã hội cơ bản không đáp ứng yêu cầu. Sự chông chênh trong tư tưởng này tác động đến nỗ lực thay đổi nhận thức về giảm nghèo và là một trong những nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo gặp khó khăn.

Vấn đề trên chỉ là một diễn biến trong nhận thức của người nghèo, còn xét về toàn diện, suy nghĩ của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, luôn có tên trong danh sách hộ nghèo trong cả 2 giai đoạn thì các chính sách hỗ trợ được họ mặc nhiên xem là “nguồn lợi được hưởng”. Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) chia sẻ: Mặc dù thời gian qua, trên địa bàn xã đã có nhiều thay đổi tích cực về kinh tế - xã hội, người dân tiến bộ hơn trong phát triển kinh tế hộ và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc bình xét hộ nghèo tại cộng đồng lại là một vấn đề khác. Rất nhạy cảm, khó khăn. Vẫn biết là có những tiêu chí đánh giá cụ thể, quy định chi tiết nhưng dù gì thì đây cũng là vấn đề động chạm đến quyền lợi; suy nghĩ “nhà họ được, sao nhà tôi không được”? của bà con không dễ thay đổi trong một sớm, một chiều. Ngoài ra, vẫn là suy nghĩ mang tính thiệt hơn đó, ở một góc độ khác, có những hộ thoát nghèo từ lâu hoặc thuộc diện khá giả tại địa phương, họ làm kinh tế tốt, thậm chí tạo công ăn việc làm cho người nghèo nhưng khi muốn mở rộng mô hình thì khó tiếp cận nguồn vốn hơn hộ nghèo, hộ chính sách. Ðiều này vô hình trung cũng tác động đến tư tưởng của họ, việc so bì, thắc mắc theo kiểu: Mình tiến bộ, mình chịu khó làm ăn, tạo việc làm cho người khác mà Nhà nước không tạo điều kiện, trong khi mấy hộ... “lười bền vững” thì lúc nào cũng được hưởng hỗ trợ!

Dù rất khó khăn về nguồn lực nhưng xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh ta đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Ðiều này minh chứng bằng con số gần 20.000 tỷ đồng đã được huy động trong 7 năm (giai đoạn 2011 - 2015 là trên 12.293 tỷ đồng; năm 2016 - 2017 gần 7.000 tỷ đồng) dành cho công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, áp dụng các chính sách còn nhiều vướng mắc, chồng chéo về cả đối tượng được hỗ trợ lẫn các khâu tổ chức thực hiện. Trong đó, khâu thực hiện là một điểm yếu cần phải khẩn trương khắc phục. Ðã có nhiều vấn đề phát sinh từ chính nhận thức của lực lượng triển khai chính sách như: Ðội giá cây, con giống hỗ trợ; năng lực của chủ đầu tư cấp xã hạn chế khiến việc triển khai đi vòng tròn từ xã lên huyện rồi mới xuống đến người dân; việc hỗ trợ không được quan tâm sâu sát dẫn đến trang thiết bị sản xuất không phù hợp với điều kiện địa bàn, gây bức xúc trong dư luận đến mức lãnh đạo địa phương bị kỷ luật... Ðây là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác giảm nghèo.

Làm sao để giảm nghèo nhanh và bền vững? Ðây là câu hỏi không dễ trả lời cho cả những nhà hoạch định chính sách lẫn cấp ủy, chính quyền địa phương. Có lẽ, quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm, sâu sát đồng bộ của các cấp, ngành từ tỉnh đến xã. Còn về phía người dân, cụ thể là các hộ nghèo, khi nhận được nguồn lực đúng, trúng cả về vật chất lẫn kiến thức, tư tưởng sẽ góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top