Mường Nhé nỗ lực giảm nghèo bền vững

08:45 - Thứ Sáu, 09/11/2018 Lượt xem: 13992 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mường Nhé giai đoạn 2016 - 2018, cấp ủy Ðảng, chính quyền và các cấp hội, đoàn thể trong huyện đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện những chương trình xóa đói, giảm nghèo cho người dân; cùng với đó, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt ở các xã khó khăn. Nhờ chính sách giảm nghèo được giải quyết kịp thời, đúng quy định, đã giúp nhiều hộ dân trong huyện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo huyện bình quân mỗi năm giảm 2,4%.

 

Huyện Mường Nhé luôn ưu tiên các chương trình hỗ trợ, ủng hộ con giống, vật nuôi cho bà con các xã, bản còn khó khăn. Trong ảnh: Ðoàn từ thiện trong tỉnh trao dê giống cho bà con xã Chung Chải.

Ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2018, Phòng đã chủ động phối hợp với Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện... và UBND các xã triển khai đồng bộ giải pháp, dự án giảm nghèo, như: Tuyên truyền, vận động nhân dân; ưu tiên vay vốn và cấp con giống, vật nuôi cho bà con các xã đặc biệt khó khăn, xã mới chia tách, bản tái định cư... cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con nuôi trồng; gắn chương trình hỗ trợ giảm nghèo với các chính sách an sinh xã hội...”.

Do đặc thù Mường Nhé là huyện còn khó khăn, đa phần bà con là người dân tộc thiểu số, vì vậy để tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, xóa bỏ phương thức, tập quán sản xuất cũ, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế... không phải là điều đơn giản. Cùng các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông huyện vào bản Nậm San 2, xã Mường Nhé, tuyên truyền về phương pháp gieo trồng cho bà con, chúng tôi được biết, bản Nậm San 2 trước đây 100% dân tộc Mông đều là hộ nghèo. Từ ngày về sinh sống tái định cư theo Ðề án 79, bà con nơi đây đã có đất nhưng chưa có vốn để phát triển kinh tế. Ngoài cấp con giống, vật nuôi, các chi hội, đoàn thể huyện đã tạo điều kiện cho bà con vay vốn cấp hội để làm ăn, rồi “cầm tay chỉ việc” một cách tận tình. Chỉ qua vài năm, đời sống người dân bản Nậm San 2 đã được cải thiện rõ rệt. “Nhờ được sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể huyện, 2 năm trở lại đây, đời sống của bà con trong bản được nâng lên rõ rệt. Số hộ nghèo hiện còn 58/84 hộ, chiếm 69%. Bà con yên tâm sinh sống, không còn tư tưởng di cư đi nơi khác nữa” - anh Giàng A Thài, Trưởng bản Nậm San 2 cho biết.

Từ các nguồn lực được hỗ trợ, huyện Mường Nhé đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã. Từ đó, nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông, điện lưới đã được tu sửa và đầu tư đưa vào sử dụng, phục vụ thiết yếu cho việc xóa đói, giảm nghèo của người dân.

Kênh thủy lợi Huổi Chạ, xã Nậm Vì là một trong những tuyến kênh mới được huyện đầu tư tu sửa trong giai đoạn 2016 - 2018. Trước đây, tuyến kênh này vẫn cung cấp nước tưới tiêu cho bà con 2 bản: Huổi Chạ 1, Huổi Chạ 2, với trên 20ha ruộng lúa nước gieo trồng 2 vụ mỗi năm. Do thiên tai, mưa lũ làm hư hại tuyến kênh, UBND huyện đã nhanh chóng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân bổ ngân sách, thực hiện tu sửa giúp bà con đảm bảo gieo trồng. Ông Vừ A Chá, người dân bản Huổi Chạ 1, cho biết: “Việc tưới tiêu đảm bảo từ kênh thủy lợi Huổi Chạ không chỉ giúp bà con gieo cấy đúng thời vụ, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó yên tâm hơn trong việc xóa đói, giảm nghèo theo chủ trương của huyện”.

Mặc dù nỗ lực giảm nghèo là thế, nhưng cũng không phủ nhận, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện Mường Nhé vẫn còn cao (69,34% - năm 2018). Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: “Trong giai đoạn 2018 - 2020, huyện đặt ra mục tiêu giảm nghèo bền vững với các nội dung như: Thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ sinh kế; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để tập trung hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động vẫn là biện pháp chủ yếu, lâu dài, nhằm phát huy nội lực thoát nghèo từ chính những người dân”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top