Ðể chính sách hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả

09:25 - Thứ Tư, 28/11/2018 Lượt xem: 12697 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, chính quyền các cấp, các ngành tỉnh đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Thế nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, kết quả công tác giảm nghèo vẫn chưa được như mong đợi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 41,01%). Nguyên nhân được cho rằng, bên cạnh một số chính sách hỗ trợ cho người nghèo còn dàn trải, chưa đúng đối tượng… thì sự trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân cũng là nguyên nhân chính.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, những năm qua đời sống người dân thị xã Mường Lay ngày càng nâng cao. Trong ảnh: Một góc TX. Mường Lay. Ảnh: Quốc Huy

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn từ 2015 - 2018, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là hơn 9.305 tỷ đồng. Ðó là chưa kể sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức và các nhà hảo tâm. Hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin và truyền thông) thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, còn nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; hỗ trợ tiền điện; trợ giúp pháp lý; bảo trợ xã hội; dạy nghề, giải quyết việc làm… Chính sách hỗ trợ nhiều, nguồn lực đầu tư lớn nhưng kết quả về công tác giảm nghèo vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Theo thống kê, trong 4 năm (từ 2015 - 2018), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% xuống còn 41,01% đầu năm 2018 (tương đương 51.188 hộ nghèo), giảm 7,13%. Trong đó, chủ yếu là số hộ nghèo về thu nhập (50.170 hộ), còn 1.018 hộ nghèo do thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản.

Một câu hỏi đặt ra, liệu nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta còn quá ít hay công tác triển khai chưa phù hợp nên chưa phát huy hiệu quả? Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo có nhiều, tuy nhiên đi sâu phân tích thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến đói nghèo là do một số chính sách hỗ trợ người nghèo chưa phù hợp với thực tế nhu cầu của người dân, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà không tự vươn lên thoát nghèo. Ðiển hình, qua đợt kiểm tra, giám sát của Ban Dân tộc (HÐND tỉnh) về việc thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2013 - 2016) tại các huyện cho thấy, nhiều nội dung hỗ trợ vẫn chưa đúng nhu cầu của người dân. Cụ thể, kiểm tra hiệu quả sau đầu tư tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) cho thấy các mô hình hỗ trợ người dân từ hợp phần hỗ trợ sản xuất chưa phát huy hiệu quả. Theo số liệu thống kê của UBND xã Tênh Phông, trong số 29 con bò hỗ trợ người dân hiện có 5 con bị chết, những con còn lại chưa sinh sản, ngày càng gầy đi. Nguyên nhân, do Tênh Phông có địa hình cao, khí hậu lạnh thế nhưng bò hỗ trợ lại là giống bò lai, không chịu được lạnh, hơn nữa tập quán chăn nuôi ở vùng cao là thả rông hoặc bán tập trung không phù hợp với giống bò lai. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ máy móc sản xuất cũng tương tự. Ông Lý A Gâu, bản Huổi Anh, xã Tênh Phông, được hỗ trợ máy tuốt lúa, cho biết: “Máy tuốt lúa được cấp không phù hợp với điều kiện sản xuất trên nương. Vì máy quá to, cồng kềnh trong khi nương lại ở xa nên mỗi lần đến vụ thu hoạch chúng tôi phải tháo từng bộ phận của máy và phải cần rất nhiều người mới vận chuyển được lên nương, vì vậy rất mất thời gian, công sức”.

Bên cạnh một số chính sách giảm nghèo chưa kịp thay đổi phù hợp với thực tế thì phải thừa nhận hiện nay nhận thức của một số người dân ở vùng cao nói chung, người nghèo nói riêng còn rất hạn chế, sự trông chờ, ỷ lại vẫn bám sâu trong tư tưởng đã ảnh hưởng đến công tác xóa đói, giảm nghèo. Ðơn cử như một số hộ dân ở bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) mặc dù có đất trồng lúa nước, có nương trồng ngô, nhưng không hộ nào chịu làm. Thậm chí, khi cán bộ xã, bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân khai hoang rồi mua giống gieo trồng giúp, đến vụ thu hoạch họ cũng không đi thu hoạch. Một số người cho rằng làm hộ nghèo thì được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, rồi được cho bò, giống cây và cho tiền... nên không muốn thoát nghèo. Vì vậy, cả bản có gần 20 hộ thì có đến 99% hộ nghèo.

Năm 2018, mục tiêu của tỉnh ta giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 38,10% và đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 33%. Ðể đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân bằng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, tránh tình trạng hỗ trợ không đúng nhu cầu, không phù hợp với thực tế, dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Ðặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, khơi dậy được ý thức vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Không phải ngẫu nhiên mà nguồn vốn Chương trình 135 bắt đầu từ năm 2017, ngoài đầu tư cho hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, thì còn có một phần kinh phí bắt buộc dành cho nâng cao trình độ cán bộ và nhận thức cộng đồng người dân trong xóa đói giảm nghèo.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top