Các công trình xây dựng nhà ở

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động

08:55 - Thứ Năm, 29/11/2018 Lượt xem: 12600 In bài viết

ĐBP - Cuối năm cũng là mùa thi công các công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Rất nhiều công trình xây dựng nhà ở cao tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện để gia chủ đón tết trong ngôi nhà mới. Tuy nhiên, người lao động làm việc tại các công trình này cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn lao động cho người lao động. Phần vì người lao động còn chủ quan trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của mình, còn về phía chủ sử dụng lao động vì chạy theo lợi nhuận mà chưa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động.

 

Người lao động làm việc tại một công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) không mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định.

Công trình xây dựng nhà ở của gia đình anh T. trên địa bàn phường Thanh Bình khởi công gần 2 tháng, thiết kế 2 tầng, diện tích 100m2, bắt đầu đổ mái tầng 2. Mỗi ngày tốp thợ chính từ 5 - 7 người, chưa kể thợ phụ làm các khâu trộn vữa, vận chuyển vật liệu xây dựng, rồi thợ cắt sắt, hàn xì... Ðiều đáng nói là số lao động này thực hiện bảo hộ lao động rất sơ sài trong quá trình làm việc, người đeo găng tay thì chân không đi ủng, không mặc quần áo bảo hộ. Nhóm thợ cắt sắt không đeo kính bảo vệ, chân tay trần... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài nhóm thợ chính được trả công theo tháng căn cứ vào khối lượng công việc và số ngày làm việc, thì thợ phụ được trả công từ 150.000 - 170.000 đồng/tháng (tùy công việc) và thường trả theo ngày hoặc theo tuần. Người lao động đều ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt ngay tại lán công trình xây dựng và phần lớn là lao động làm việc tự do, không có hợp đồng. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chủ thầu không thực sự quan tâm, trách nhiệm với việc trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho người lao động trong quá trình làm việc.

Chị V., xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) có vài ba năm phụ việc tại các công trình xây dựng nhà ở. Công việc chính của chị V. là đánh, trộn vữa, xi măng, vận chuyển vật liệu xây dựng, vệ sinh công nghiệp... Chị V. cho biết: Tranh thủ thời gian nông nhàn, tôi xin làm việc tại các công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Công việc tuy có vất vả nhưng thu nhập 150.000 đồng/ngày (trừ ăn trưa) cũng giúp gia đình trang trải cuộc sống, thêm tiền đóng góp cho con cái học hành. Tuy nhiên, vì làm việc theo thời vụ nên chủ thầu không ký hợp đồng mà thường thuê theo ngày hoặc khối lượng công việc. Phần lớn bảo hộ lao động trong quá trình làm việc (găng tay, ủng, quần áo bảo hộ...) không được trang cấp hoặc trang bị không đầy đủ. Còn về phía chị V. trong quá trình làm việc cũng tự trang bị quần áo bảo hộ cho mình nhưng không thường xuyên, phần vì tâm lý tiếc tiền phần vì vướng víu trong quá trình làm việc. Chị V. cho hay, mùa hè còn đỡ chứ vào mùa đông giá rét thường xuyên tiếp xúc với xi măng, cát, nước... làm việc không đi ủng, găng tay, chân tay nứt rát, rướm máu rất khó chịu. Tuy nhiên, vì mưu sinh nên việc cũng chẳng thể đừng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn lao động giản đơn trong xây dựng nhà cửa khiến 3 người chết, 7 người bị thương nặng.

Còn với anh Thùng Văn Tắm (xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà) đã gần 5 năm về TP. Ðiện Biên Phủ mưu sinh bằng nghề phụ hồ, xây dựng. Vào học nghề từ công việc của thợ phụ (khuân gạch, đào đất, xách hồ, xách nước...) rồi học nghề, tích lũy kinh nghiệm đến nay là thợ xây đã theo nhiều chủ thầu, tham gia làm nhiều công trình xây dựng nhà ở cao tầng. Anh Tắm cho biết, nghề thợ xây vất vả, nhưng thu nhập khá ổn định. Nếu chăm chỉ làm và công việc đều đặn mỗi tháng cũng dành dụm được 5 - 7 triệu đồng gửi cho gia đình, nhưng cũng là nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Bởi các công trình xây dựng, nhất là nhà ở hiện nay thường được thiết kế xây dựng vài ba tầng. Quá trình làm việc do vì thói quen thoải mái hoặc do thời tiết nóng bức nên thường không mặc trang phục bảo hộ lao động. Nhất là khi công trình trong giai đoạn hoàn thiện, nhóm thợ hàn xì, nhóm sơn nhà, đấu nối đường điện... dây điện thường vương vãi, lẫn lộn với vật liệu dẫn điện. Bản thân anh Tắm đã 2 lần bị điện giật nhưng rất may là bị nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mà nguyên nhân đều là do bất cẩn, thiếu trang phục bảo hộ trong quá trình làm việc.

Thực tế cho thấy, các công trình xây dựng nhà ở tư nhân đều được thi công bởi các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí hợp đồng với cai thầu nên người lao động thường làm theo thời vụ, không có hợp đồng lao động. Chính điều này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề an toàn lao động, bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Còn về phía người lao động vì làm việc tự do nên thường không được đào tạo chuyên môn mà chỉ bằng kinh nghiệm, thiếu kiến thức về an toàn lao động trong khi chủ thầu vì muốn giảm thiểu chi phí thường bỏ qua cam kết về đào tạo, bảo hiểm và an toàn lao động. Chính vì vậy, khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi luôn là người lao động.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top