Ðưa kiến thức an toàn lao động đến với học sinh, sinh viên

08:46 - Thứ Sáu, 30/11/2018 Lượt xem: 11093 In bài viết

ĐBP - An toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Chính vì vậy, để nâng cao nhận thức cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho mỗi học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đã chú trọng giảng dạy môn An toàn và bảo hộ lao động bên cạnh các môn học khác. Từ đó giúp người học hiểu được tầm quan trọng của môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, góp phần bảo vệ và xây dựng đội ngũ công nhân lao động vững mạnh cả về số lượng và thể chất.

Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên hiện đang đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng, 12 nghề trung cấp và 6 nghề sơ cấp, trong đó chủ yếu là các ngành nghề liên quan tới công nghiệp, như: điện công nghiệp, điện dân dụng, quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp từ 110kV trở xuống; công nghệ ô tô, kỹ thuật xây dựng, hàn điện… Với đặc thù của những ngành nghề đào tạo này, việc đưa kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, an toàn lao động đến với người học được nhà trường thực hiện từ kỳ thứ 2 trong chương trình học toàn khóa. Tùy theo yêu cầu, tính chất từng nghề, trình độ đào tạo mà môn học An toàn và bảo hộ lao động có thời lượng giảng dạy từ 30 - 45 tiết học.

Tiến sĩ Ðoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên cũng là người trực tiếp giảng dạy môn An toàn, bảo hộ lao động cho biết: Trong quá trình học tập, học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức về mục đích, nội dung của bảo hộ lao động (vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn, kỹ thuật phòng chống cháy…); nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn lao động trong xây dựng; biện pháp đề phòng, khắc phục tai nạn lao động; kỹ năng xử lý tai nạn trong quá trình lao động. Cũng qua môn học này giúp học sinh, sinh viên nắm được quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong bảo hộ lao động, các biện pháp đề phòng tác hại của bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động... Ngoài số tiết học quy định trong khung đào tạo, nhà trường lồng ghép giảng dạy an toàn vệ sinh lao động vào từng phần thực hành. Trong quá trình đưa học sinh, sinh viên đi thực hành đều yêu cầu các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp - nơi đến thực tập giới thiệu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động nói chung và các quy định về an toàn lao động trong công ty, doanh nghiệp để thực hiện. Trường đã phối hợp với Công ty Cổ phần Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội tuyển sinh và đào tạo học sinh theo học các nghề: Ðiện công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; liên kết với Công ty Cổ phần LILAMA 69 - 1; Công ty Cổ phần Cầu 12; Công ty Lắp máy Ninh Bình, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn Thanh Hóa… tổ chức cho học viên đi thực hành thực tế sản xuất; liên kết với Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long tổ chức cho sinh viên đi trải nghiệm thực tế, lao động sản xuất… Tại các công ty, doanh nghiệp này, học sinh, sinh viên được thực hành trong môi trường sản xuất chuyên nghiệp, được tiếp xúc với máy móc hiện đại, được các kỹ sư và thợ tay nghề bậc cao trực tiếp hướng dẫn thực hành. Qua đó, các em tiếp thu và rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động, bổ sung kiến thức và các kỹ năng “mềm” (kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm...). Qua thực hành, thực tập sản xuất tại các nhà máy, công trường người học được các công ty, doanh nghiệp đánh giá cao về tay nghề, kiến thức, kỹ năng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, ý thức chấp hành tốt nội quy, quy chế, kỷ luật an toàn lao động.

Em Giàng A Tùng, sinh viên lớp Cao đẳng Ðiện công nghiệp K6, cho biết: Thông qua môn học An toàn và bảo hộ lao động giúp em hiểu người lao động cùng với việc thực hiện các nghĩa vụ về chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc và nhiệm vụ được giao thì cần được làm việc trong điều kiện an toàn, được trang cấp các thiết bị làm việc cá nhân, được huấn luyện biện pháp an toàn lao động. Người lao động cũng được từ chối các công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và sẽ không tiếp tục làm việc nếu như thấy nguy cơ đó vẫn chưa được khắc phục; được khiếu nại hoặc tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người sử dụng lao động vi phạm quy định của Nhà nước hoặc không thực hiện các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động… Có kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực an toàn, bảo hộ lao động giúp chúng em tuân thủ tốt các quy định cũng như nhận thức đúng về việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động khi làm việc, bảo vệ sức khỏe của mình, phòng tránh bệnh nghề nghiệp.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top