Sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ ở Trung đoàn 82

Nâng cao chất lượng huấn luyện

09:06 - Thứ Tư, 05/12/2018 Lượt xem: 13635 In bài viết

ĐBP - Ðể công tác huấn luyện ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu, một trong những nhiệm vụ đặt ra là bảo đảm đầy đủ mô hình học cụ, trang thiết bị huấn luyện cho phù hợp với từng đơn vị, từng đối tượng huấn luyện. Xác định được điều đó, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) đặc biệt quan tâm đến sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị huấn luyện sao cho vừa phát huy được tính chủ động, tự lực, tự cường vừa thể hiện tính sáng tạo khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

 

Ðại biểu tham quan mô hình học cụ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82 (Quân khu 2).

Hàng năm, trước mỗi mùa huấn luyện, Trung đoàn đều phát động cuộc thi sáng kiến, chế tạo mô hình học cụ góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện. Bước vào mùa huấn luyện năm 2018, chúng tôi có dịp được tận mắt tham quan các mô hình học cụ đã được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cải tiến, sáng tạo để phục vụ cho huấn luyện. Qua quan sát các mô hình, chúng tôi cảm nhận được rằng những sáng kiến, cải tạo của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn thực sự có nhiều đổi mới và sát với thực tế.

Một trong những sáng kiến mới, rất thiết thực với nhiệm vụ huấn luyện của đơn vị là sáng kiến “Giá đong gạo trong chiến đấu” của Thiếu úy Vũ Văn Công, Trung đội 9, Ðại đội 7, Tiểu đoàn 5. Nói về sáng kiến của mình, Thiếu úy Công chia sẻ: Mỗi khi đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, mỗi chiến sĩ đều phải mang theo 1 tượng gạo. Ðể đúc được gạo vào tượng gạo, bộ đội phải dùng tay vun gạo hoặc dùng bát con đong từng bát gạo nên tốn rất nhiều thời gian và các tượng gạo sau khi đúc lại không đều nhau. Xuất phát từ thực tế đó, Thiếu úy Công đã tìm tòi, nghiên cứu để sáng chế “Giá đong gạo trong chiến đấu” giúp chiến sĩ đong gạo nhanh hơn và các tượng gạo sau khi đong sẽ có trọng lượng bằng nhau.

Theo thiết kế, “Giá đong gạo trong chiến đấu” đã được cải tiến có cấu tạo gồm 3 bộ phận: Thùng chứa gạo, ống tích gạo và giá đỡ thùng. Trong đó, thùng chứa gạo, ống tích gạo được làm bằng tôn phẳng; còn giá đỡ thùng gạo được làm bằng sắt V. Toàn bộ thiết bị có tất cả là 4 ống tích gạo, trong mỗi ống tích gạo đều có 3 cửa. Ðể sử dụng thiết bị này, trước khi hoạt động, mỗi chiến sĩ phải đóng cửa số 1, đổ gạo vào bên trong thùng chứa gạo và hứng miệng tượng gạo vào miệng ống tích gạo. Sau đó, muốn đong tượng gạo 2,25kg (tương ứng với 3 ngày ăn) thì đóng cửa số 2 và mở cửa số 1 để gạo chảy vào ống tích gạo; tiếp theo là đóng cửa số 1, mở cửa số 2 để gạo chảy vào trong tượng. Còn muốn đong tượng gạo 3,75kg (tương ứng với 5 ngày ăn) thì chỉ việc đóng cửa số 3, mở cửa số 1 để gạo chảy vào ống tích gạo; sau đó đóng cửa số 1, mở cửa số 3 để gạo chảy vào trong tượng. Nhờ có cải tiến này, việc đong gạo sẽ nhanh và chính xác hơn.

Ngoài sáng kiến “Giá đong gạo trong chiến đấu” của Thiếu úy Vũ Văn Công, sáng kiến “Mõ quay điều khiển từ xa” của Thiếu úy Phùng Ngọc Hải, Ðại đội 11, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 82) cũng được đánh giá rất cao. Hiện nay, trong quá trình huấn luyện các nội dung chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh còn sử dụng người học làm phục vụ cho quá trình huấn luyện nên nhiều người học làm phục vụ không nắm được hết nội dung bài học hoặc người học phục vụ không đúng với ý định của người dạy làm ảnh hưởng đến chất lượng của buổi học. Vì lẽ đó, Thiếu úy Hải đã nghiên cứu tạo ra “Mõ quay điều khiển từ xa” để thay thế người phục vụ. Mô hình học cụ huấn luyện này rất dễ làm, áp dụng cho học tập dễ dàng nên có khả năng sử dụng rộng rãi trong đơn vị mà giá thành rẻ, chỉ khoảng 300 nghìn đồng. Mô hình học cụ gồm có các bộ phận chính, như: Vỏ bằng gỗ; 2 mõ quay; motor; bộ thiết bị điều khiển từ xa; đèn pin (có tác dụng làm mõ quay, tượng trưng ánh lửa đầu nòng, đèn pha chiếu quét của địch điều khiển từ xa).

Có thể nhận thấy, công tác huấn luyện thường xuyên thay đổi theo nhiệm vụ và đối tượng tác chiến. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82 phải thường xuyên nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ, tích cực nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện; nhất là việc cải tiến mô hình học cụ phục vụ cho huấn luyện để nâng cao chất lượng huấn luyện. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, nhưng các cán bộ, chiến sĩ đều nỗ lực, đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ mày mò nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến nhiều mô hình học cụ hiệu quả. Riêng trong Hội thi Sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ huấn luyện năm 2018, Trung đoàn 82 có 55 sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ tham gia. Tất cả các sáng kiến đều có chung ưu điểm là dễ sản xuất, giá thành thấp, có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tế huấn luyện và có nhiều sáng kiến được đánh giá cao, như: Băng nẹp cố định chấn thương cải tiến; kìm bóp kíp cải tiến; giá đong gạo trong chiến đấu; mõ quay điều khiển từ xa…

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top