Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề nông nghiệp

09:38 - Thứ Tư, 12/12/2018 Lượt xem: 12275 In bài viết

ĐBP - Sau 9 năm thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng nghìn lao động nông thôn trong tỉnh sau đào tạo đã có việc làm hoặc tự tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện cuộc sống.

 

Sau học nghề kỹ thuật trồng và chế biến nấm, nông dân xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) sản xuất nấm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nếu như trước đây cuộc sống của gia đình chị Lù Thị Điều, bản Mé, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) vô cùng khó khăn vì đất sản xuất ít, chăn nuôi không hiệu quả do gia súc, gia cầm thường bị chết vì dịch bệnh. Vì thế vốn đầu tư cho chăn nuôi cứ “cụt” dần rồi thành mang nợ. Hiểu rằng, để chăn nuôi hiệu quả thì không thể chỉ làm bằng kinh nghiệm, năm 2016 chị Điều đăng ký tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn. Nhớ lại những ngày học nghề này, chị Điều tâm sự: Khi học nghề, được giảng viên trang bị kiến thức về đặc điểm sinh lý của lợn theo từng lứa tuổi, cách chăm sóc lợn theo từng giai đoạn (đối với lợn thịt, lợn nái); nhận biết dấu hiệu các loại bệnh thường xảy ra trên đàn lợn và loại thuốc thông thường để điều trị bệnh… tôi “vỡ” ra nhiều điều. Học nghề đã giúp tôi hiểu hơn về tầm quan trọng của vệ sinh chuồng trại vì sao phải đảm bảo các yếu tố thoáng về mùa hè, ấm vào mùa đông, cách chăm sóc giúp đàn lợn tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh… Cùng với lý thuyết, chúng tôi còn được thực hành tại mô hình chăn nuôi ngay tại địa bàn. Sau khi học nghề, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thức ăn công nghiệp, mua con giống để nuôi lợn nái, lợn thịt. Áp dụng biện pháp chăm sóc, tiêm vắc xin phòng bệnh theo định kỳ nên đàn lợn phát triển tốt. Nuôi lợn gối đàn, trừ chi phí gia đình tôi thu về 60 triệu đồng/năm. Nguồn thu từ nuôi lợn cộng với trồng trọt, nuôi thêm gia cầm đã giúp gia đình chị Điều có cuộc sống khấm khá hơn.

Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều lao động nông thôn như chị Lù Thị Điều sau khi học nghề đã áp dụng và phát triển kinh tế hộ khá hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, cải thiện cuộc sống.

Để công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực sự hiệu quả, sát với nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hằng năm ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đều chủ động khảo sát nhu cầu học nghề tại các xã, thôn, bản. Căn cứ nhu cầu học nghề và định hướng phát triển của từng địa phương để tư vấn cho người dân học những nghề phù hợp, có khả năng tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm để tăng thu nhập. Với cách làm này, trong nhiều năm qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp tại các địa phương trong toàn tỉnh được triển khai khá hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Điều đó phần nào được minh chứng qua số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau 9 năm (2010 - 2018) thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp theo Đề án 1956: Toàn tỉnh có 35.098 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp. Sau học nghề, có 24.992 lao động có việc làm mới, 894 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, 921 lao động được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 23.123 lao động tự tạo việc làm. Số lao động có việc làm sau khi học nghề đã góp phần quan trọng giúp 2.101 lao động thoát nghèo và 1.786 lao động có thu nhập khá trở lên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp gắn với Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và xây dựng nông thôn mới, ngành Nông nghiệp chú trọng “khâu” khảo sát nhu cầu người học để xây dựng kế hoạch đào tạo đúng với tình hình thực tiễn gắn với vùng sản xuất, các sản phẩm chủ lực theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đào tạo lấy thực hành là chính với phương châm “cầm tay chỉ việc”, gắn với các mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững. Tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGap, vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, có hợp đồng liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đào tạo nghề cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, nhằm góp phần đạt chuẩn các tiêu chí về tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, đạt tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tỷ lệ lao động qua đào tạo theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top