Thành ơi! Sao nỡ vội ra đi

21:20 - Thứ Năm, 13/12/2018 Lượt xem: 17147 In bài viết

ĐBP - Thành ơi! Tôi không muốn, đồng nghiệp không muốn, bạn bè cũng vậy, gia đình cũng thế, sao Thành vội ra đi? Vẫn biết sinh-lão-bệnh-tử là quy luật đời người. Nhưng tuổi 55, tuổi chín chắn với công việc của nghề báo, của Ban biên tập báo Tài nguyên & Môi trường để góp sức giữ trong sạch môi trường sống, để chống lại sự biến đổi dữ dằn của khí hậu nơi hành tinh ta ở. Sao nỡ vội ra đi!...

 

Hoàng Văn Thành (Thành Râu) cùng đồng nghiệp phỏng vấn ông Mùa A Kỷ, trưởng bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé sau sự kiện tụ tập của người Mông đợi vua Mông giáng trần, tháng 5/ 2011.

Bạn bè thường hỏi tôi: - Quê Phú Thọ sao lại gắn bện với Điện Biên đến vậy? Không nói, thì người hỏi cũng thừa hiểu nơi ấy là Điện Biên Phủ - Di tích lịch sử có một, không hai của dân tộc Việt Nam, của nhân loại. Sâu xa nỗi lòng, thì nơi ấy cha tôi, hai chú ruột của tôi đã để lại máu xương trên đất này... Nơi ấy, tình người  thấm đẫm “...Ở đây người dưng như người nhà/ Trong vòng xòe không thừa một ai” (thơ Nguyễn Mạnh Tuấn). Trong “vòng xòe đại đoàn kết ấy” có rất nhiều, rất nhiều đồng nghiệp báo chí – văn nghệ sĩ thân yêu của tôi. Có Hoàng Văn Thành đồng nghiệp thân thiết như anh em một nhà (cho dù năm sinh của chú cũng trùng với con trai trưởng của tôi). Đồng môn, đồng cảm, đồng lòng, đồng tình nên đồng nghĩa anh em. Chú khoáng đạt, rộng lòng với bạn bè; chất lãng tử hiển hiện trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười; trên dáng người, trên bộ râu quai nón đen bóng như mộng như mơ, nên thiên hạ mới dành cho biệt danh: Thành Râu! Thành Râu sâu sắc với nghề, thắm thiết với bạn bè, nhân hậu với những người yếu thế! Hơn 52 năm chuyên nghiệp với nghề báo thì 27 năm có dư tôi gắn với Điện Biên, viết về Điện Biên Phủ kỳ thú, về thị xã Lai Châu (xưa thuộc Điện Biên) đau thương và nhân ái qua trận lũ ống lịch sử với “Núi ở đầy trong mắt”. Bằng công việc nên biết Thành Râu, phóng viên báo Lai Châu từ buổi ấy.

Nhớ lắm dịp hội thảo báo Đảng địa phương phía Bắc tại Điện Biên Phủ vào ngày 13/3/1993, đúng mùa ban nở, đúng ngày, tháng này, năm 1954 quân ta nã pháo vào Him Lam, mở màn chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi/ Ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt” làm nên chiến công“Lừng lẫy Điện Biên/ Chấn động địa cầu) để bàn thảo về “Tuyên truyền truyền thống lịch sử”. Ngày ấy, không ai khác, chính Thành Râu trong Ban Biên tập báo Lai Châu đã kì công tìm tòi cung cấp cho chúng tôi những tư liệu về Điện Biên trong chiến tranh, trong xây dựng hòa bình một cách có ngọn có ngành giúp chúng tôi nói đúng, viết đúng, viết trúng. Nhớ mãi nguồn “bột” ấy, mẻ “hồ” ấy Thành Râu trao cho đúng lúc, đúng thời điểm khi mà đồng nghiệp tứ ngả đổ về chân ướt chân ráo chưa có đủ thời gian để thăm thú, thâm nhập, khai thác, ghi chép. Nhờ thế, hội thảo sôi nổi hẳn lên, xoay mãi vào chủ đích: “Tuyên truyền giáo dục truyền thống là góp phần tiếp nối nguồn sức mạnh tinh thần, ý chí vì đại nghĩa của con người và của dân tộc Việt Nam”. Ngày ấy đồng chí Nguyễn Niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham dự cũng  sôi nổi chia sẻ: “Hiện tại hôm nay và tương lai mai sau bao giờ cũng bao hàm trong đó những nhân tố của quá khứ phù hợp, cũng kế thừa những tinh hoa tốt đẹp của loài người”. Ngày ấy trong vai thành viên chủ trì hội thảo, Thành Râu đã khéo léo khơi gợi để bạn bè cùng nhau làm rõ: - Thế nào là truyền thống?  - Vai trò của truyền thống đối với con người, đối với dân tộc? Nhìn nhận truyền thống thế nào cho đúng? Phần “thảo” sâu, nên ai ai cũng tự thấy bổn phận và trách nhiệm của nhà báo, của tờ báo với đề tài vun vỗ tinh hoa truyền thống, phát huy truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc. Để “Tổ quốc mình đâu Điện Biên cũng đến/ Đất nước anh hùng đâu cũng Điện Biên” (thơ Cảnh Trà).

Biết Thành Râu sâu sắc với nghề nên tôi để lòng yêu mến. Nghỉ công việc quản lý ở HNBVN vào cuối tháng 10 năm 2006, thì tuần đầu tháng 11 tôi đã lên với Điện Biên. Theo đề đạt, Thành Râu đưa tôi vào xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, rồi đến với người dân tộc Khơ Mú ở bản Nậm Mạ, thượng nguồn sông Mã. Nậm Mạ khó khăn, thiếu thốn, đói rách, ốm không thuốc, trẻ em không có lớp học, đến nỗi ông Pít Văn Kẹo là Chủ tịch MTTQ của xã mà một chữ cắn đôi cũng không có, trẻ em 9 – 10 tuổi vẫn để truồng... khiến tôi, Thành và những người cùng đến ràn rụa nước mắt. Trở về tôi viết bài trên An ninh Thế giới (thuộc Bộ Công An), trở thành phong trào cả nước quyên góp cứu giúp dân bản Khơ Mú, ủng hộ Điện Biên vợi đi nghèo đói. Ngay sau ngày ấy, Thành tổ chức cho thanh niên, chi hội Nhà báo quyên góp nội bộ, ủng hộ tiền, quần áo, chăn màn giúp đỡ đồng bào... Thành Râu và Ban biên tập báo Điện Biên Phủ ở mãi trong tôi còn là thực hiện chỉ đạo của tỉnh, báo Điện Biên Phủ không chỉ tuyên truyền mạnh mẽ xóa đói, giảm nghèo mà còn cử cán bộ đi “Cắm bản” ở nhưng xã, bản xa xôi, khó khăn nhất. Báo Điện Biên Phủ do Thành làm Tổng biên tập cũng là đơn vị điển hình của tỉnh, đóng góp thiết thực nhất đưa “cần câu” về cho dân bản: Thay giống trâu bò, đưa giống cỏ, giống tre bát độ, giống đậu, đỗ, gà, vịt, dê... về cho dân bản các dân tộc nơi vùng sâu, vùng xa. Vận động, quyên góp tiền, gạo giúp đỡ học sinh các trường bán trú dân nuôi; xây nhà văn hóa, nhà ở cho người nghèo, xây lớp học, khu bán trú, thậm trí xây cả trường học cho xã, cho huyện... Đức tính ấy, tình cảm ấy, tấm lòng thế ấy đậm mãi trong đồng nghiệp, bè bạn xa gần về một Tổng biên tập rất đỗi thương dân, đau nỗi đau của người hoạn nạn, khó khăn... Người sao, việc vậy, cho dù nhiều khóa là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo VN thì cái nết đẹp ấy như càng được nhân lên. Khó kể hết bao lần tôi cùng Thành đến xuống với dân bản, ngủ với bản nghèo ở Pú Hồng, ở bản Nậm Kè, ở Đồn Biên phòng A Pa Chải (Mường Nhé) xa xôi, hay Ka Lăng đỉnh giời Tây Bắc ở (Mường Tè). Đến đâu Thành cũng cho anh em tự đem theo thực phẩm, rau, quả, mắm, muối để góp bữa với dân, không làm khó cho dân bản... Ấy cũng là nét đẹp riêng có của những người làm báo Điện Biên Phủ khi dân bản và chiến sĩ còn vô vàn khó khăn. Đêm đêm khó ngủ vì cứ nghĩ đến dân ở nơi xa xôi này còn quá nghèo; để rồi lại thức, lại bàn cách, lại viết lách phản ánh... Nét đẹp thế ấy của Thành Râu vẫn tiếp nối khi là Tổng biên tập báo Tài nguyên & Môi trường. Lại lo, lại tính, lại cùng Ban biên tập, cùng anh em tòa soạn quyên góp xây nhà cho dân nghèo, giúp đỡ đồng bào bị bão lụt ở miền Trung. Lại cùng Ban biên tập sục sôi phê phán, đấu tranh với những thói xấu, người xấu, đơn vị vô trách nhiệm gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường sống. Nhà Máy Bia Đông Nam Á nơi chúng tôi ở bắt buộc phải di rời, trong đó có công không hề nhỏ của báo Tài nguyên & Môi trường, có công đầu của Thành Râu!...

Nhận tin dữ: Hoàng Văn Thành  (Thành Râu) đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 11h30 ngảy 11/12/ 2018 khiến tôi bàng hoàng, tê tái. Thông tin lên Facebook. Tứ phương bạn bè điện hỏi, chia sẻ, nhắn hỏi, thườn thượt thở than: - Thành Râu ra đi thật rồi! Người như thế. Tình như thế. Đam mê với nghề như thế, sao ông trời lại “bắt đi” sớm vây! Dân phố nơi ngõ nhỏ, ngách nhỏ, phường Minh Khai của chúng tôi, có người thốt ra lời: - Vậy là mất đi một con người, một tấm lòng, một trái tim nhân hậu! Còn tôi, chỉ biết thở than: - Thành ơi. Sao nỡ vội ra đi!

Hà Nội – 14 tháng 12/ 2018.

Bài và ảnh của  Nguyễn Uyển
Bình luận
Back To Top