Trao “cần câu” cho nông dân

15:59 - Thứ Hai, 17/12/2018 Lượt xem: 11021 In bài viết

ĐBP - Xác định cho nông dân “cần câu” chứ không cho con cá, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn được TX. Mường Lay đặc biệt chú trọng. Sau 5 năm thực hiện công tác này đã có 1.392 LĐNT được học nghề; trong đó, 1.210 lao động được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020. Điều phấn khởi hơn cả khi sau học xong nghề có tới 85% lao động có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Học nghề kỹ thuật chăn nuôi gà, người dân phường Sông Đà (TX. Mường Lay) tự tạo việc làm, tăng thu nhập.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả, sát với nhu cầu, nguyện vọng cũng như quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hàng năm TX. Mường Lay xây dựng và triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn; kế hoạch đào tạo nghề cũng như xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai xây dựng phương án hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, mua sắm công cụ lao động cho lao động tái định cư nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp. Đồng thời, Ban Chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho LĐNT các cấp trên địa bàn TX. chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là hội nông dân các cấp tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT tới từng tổ, bản, hộ dân trên địa bàn; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các thành viên trong gia đình tham gia học nghề để có việc làm, tăng thu nhập.

Với đặc thù của TX. dân cư sống bằng nghề nông nghiệp khá nhiều nên nhóm nghề nông nghiệp được nông dân lựa chọn đăng ký học nghề: kỹ thuật chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, trồng nấm, trồng lúa Bắc thơm; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm… Sau học nghề, nhiều học viên có kiến thức áp dụng vào chăn nuôi, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Gia đình anh Điêu Văn Chủ (bản Nậm Cản, phường Na Lay) sau học nghề kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn năm 2014 đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư con giống, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là tuân thủ việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho gia súc, gia cầm nên vật nuôi không bị dịch bệnh. Thu nhập từ chăn nuôi giúp gia đình anh Chủ có thêm 4,5 triệu đồng/tháng. Hay gia đình anh Điêu Văn Dưỡng, Lò Văn Dương (bản Nghé Toong, phường Na Lay) đều cải thiện cuộc sống với mức thu nhập tăng thêm từ 3,6 - 4,1 triệu đồng/tháng sau khi học nghề kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn và mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi.

Bên cạnh nghề nông nghiệp, một số nhóm nghề phi nông nghiệp, như: kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật lắp đặt, sửa chữa điện nước; du lịch lưu trú tại nhà dân đã thu hút nhiều người trên địa bàn các phường Na Lay, Sông Đà đăng ký học nghề để chuyển đổi nghề phù hợp sau khi bị thu hồi đất thực hiện nhiệm vụ tái định cư thủy điện Sơn La. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở TX. Mường Lay bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong việc chuyển đổi ngành nghề, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay, khẳng định: Thông qua công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn đã góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, ý thức học nghề để tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định của người lao động có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thời gian qua đó là chưa có kinh phí để tổ chức dạy nghề theo mô hình thí điểm, người dân sau khi học nghề thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ. Với mục tiêu đặt ra trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn tới cần tiếp tục bám sát thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất để đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. TX. Mường Lay tập trung đào tạo nghề trọng tâm, lấy nông dân làm “nòng cốt” để thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới, làm dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, dịch vụ thủy nông…), tăng cường đào tạo nghề cho nông dân ở các thôn, bản khó khăn về kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi. Thị xã sẽ thực hiện rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch dạy nghề cho phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, gắn chặt với việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top