Nhà tạm lánh góp phần chống bạo lực, xâm hại phụ nữ

08:55 - Thứ Tư, 19/12/2018 Lượt xem: 13099 In bài viết

ĐBP - “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” - đúng như tên gọi, mô hình này lần đầu tiên được triển khai thí điểm tại tỉnh ta đang trở thành nơi nương náu an toàn cho chị em không may bị chồng bạo hành. Mô hình hướng tới phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên địa bàn.

 

Thành viên Ban Chỉ đạo quản lý mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tuyên truyền, giới thiệu mô hình tới phụ nữ trong xã.

Mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” được triển khai thí điểm tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) từ tháng 12/2017 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nhằm bảo vệ phụ nữ, giúp ổn định tâm lý trong trường hợp bị bạo hành, xâm hại. Ban Chỉ đạo quản lý mô hình được thành lập gồm 5 thành phần: Chủ tịch UBND xã, cán bộ văn hóa xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), công an và đại diện Trạm Y tế xã. Nơi tạm lánh được bố trí là 1 phòng phía trong trụ sở UBND, được trang bị đầy đủ đồ dùng thiết yếu, như: giường, tủ, chăn, chiếu, xoong điện, bát đĩa, xô chậu… có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Bà Hoàng Thị Phương Thúy, cán bộ văn hóa xã Thanh Yên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quản lý mô hình, cho biết: Từ khi mô hình đi vào hoạt động đã có 3 chị em trong xã tìm đến tạm lánh, đều là trường hợp bị chồng đánh do ghen tuông, say rượu hoặc đòi hỏi vô lý không được đáp ứng. Khi bị bạo hành, chị em đến đây sẽ được lực lượng công an xã bảo vệ an toàn, cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe, cán bộ Hội LHPN tư vấn, giúp chị em ổn định tâm lý. Cùng với đó, các đồng chí công an cùng một số đoàn thể, cán bộ thôn, bản đến tận nhà khuyên giải, nhắc nhở và yêu cầu người chồng cam kết không tái phạm việc bạo hành vợ. Về phía chị em, ở tại nhà tạm lánh được hỗ trợ bữa ăn hàng ngày, có thể ở đến khi nào cảm thấy thoải mái, vợ chồng giải tỏa được hiềm khích thì sẽ được các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đưa về.

Tháng 3/2018, bà L.T.L (đội 13) tìm đến Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh trong tình trạng bị bầm tím nhiều vị trí trên cơ thể do chồng đánh. Ðược biết chồng bà L. nghiện ma túy, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Ngày hôm đó, chồng bà L. đòi đưa tiền để mua ma túy nhưng bà không có nên đã mắng và tát bà. Khi hàng xóm đến can ngăn thì ông càng xuống tay mạnh hơn. Bà được hàng xóm đưa đến nhà trưởng thôn để chờ chồng “hạ hỏa”. Nhận thấy chồng bà L. nóng nảy, bất hợp tác, thôn đã liên hệ với cán bộ Ban Chỉ đạo quản lý mô hình để bà L. có nơi ở tạm trong vài ngày. Nhắc lại chuyện không vui đó, bà L. chia sẻ: May có nơi để tạm lánh, tôi được yên tĩnh nghỉ ngơi vài ngày. Các cán bộ cũng đến nói chuyện với chồng tôi giúp ông ấy biết được mình đã sai, từ đấy đến nay vợ chồng tôi không xảy ra chuyện tương tự như vậy.

Bà Lò Thị Út, thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội LHPN xã là người trực tiếp tư vấn, chia sẻ với hoàn cảnh của các chị em đến Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh, cho biết: Gia đình nào cũng vậy, khó tránh khỏi những lúc “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Nhưng khi chị em tìm đến đây thường là những trường hợp vợ chồng khó giải quyết và rơi vào tình huống đe dọa đến sức khỏe, an toàn của bản thân. Các trường hợp này đều trong trạng thái tâm lý bất ổn, vì vậy tôi lắng nghe để hiểu được tâm trạng, câu chuyện của họ rồi trò chuyện, tư vấn giúp các chị nguôi ngoai, đồng thời giúp chị em có ý thức tự bảo vệ bản thân, cố gắng hài hòa mối quan hệ trong gia đình, mong rằng “gương vỡ lại lành”.

Ðể mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” được đông đảo người dân trong xã biết đến, góp phần bảo vệ chị em khỏi bạo lực, khi triển khai mô hình, nhiều hoạt động truyền thông đã được thực hiện, như: Tổ chức hội nghị phổ biến, giới thiệu mô hình đến các bí thư, trưởng thôn, bản, công an viên trong xã; công khai số điện thoại liên hệ để chị em được trợ giúp kịp thời cho các đoàn thể, thôn, bản, quần chúng nhân dân; Hội LHPN xã tuyên truyền đến 23/23 chi hội phụ nữ thôn, bản… Với địa bàn vẫn còn tồn tại trường hợp bạo hành phụ nữ, bạo lực gia đình, mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” thực sự có ý nghĩa và phát huy hiệu quả tại xã Thanh Yên. Mong rằng mô hình này sau khi đánh giá kết quả thí điểm sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top