Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh

16:53 - Thứ Tư, 19/12/2018 Lượt xem: 9988 In bài viết

Tỉ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam đã giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016, tương đương khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Tuy nhiên, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn.

 

Cần thực hiện các chính sách khuyến khích người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo. Ảnh minh họa

Ngày 19/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam) và Ủy ban dân tộc và Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố “Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người”.

6 triệu người đã thoát nghèo

Theo Báo cáo được công bố, tỉ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam đã giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016 - khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Tuy nhiên, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Báo cáo khẳng định những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG1), theo đó tỉ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh từ 49,2% năm 1992 xuống còn 2% vào năm 2016. Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, SDG1 về "giảm nghèo ở mọi chiều cạnh và ở mọi nơi" có khả năng đạt được cao nhất.

Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc về chỉ số mục tiêu phát triển bền vững năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.

Mặc dù vậy, đói nghèo vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉ lệ nghèo đa chiều ở vùng núi phía bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỉ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỉ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó, khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu 2012-2016.  Báo cáo cũng cho thấy các hộ nghèo có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung phát huy được hiệu quả, chưa góp phần nâng cao đời sống người dân. Một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao; công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn hạn chế.

Người nghèo cần là chủ thể của tiến trình giảm nghèo

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục xác định mục tiêu giảm nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi và đảm bảo an sinh xã hội phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, huy động được sự hợp tác có hiệu quả của các khu vực kinh tế. “Mặc dù chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng chúng ta cũng cần làm cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ mình chính là chủ thể của tiến trình giảm nghèo, để có trách nhiệm hơn nữa trong vươn lên thoát nghèo”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, cần tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tăng cường phân cấp giao quyền cho các địa phương

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá những kết quả giảm nghèo tại Việt Nam là “thành công ở tầm thế giới”. Bà cho rằng, Việt Nam đạt những thành công giảm nghèo được công nhận rộng rãi trên toàn cầu là nhờ tăng trưởng bao trùm, tạo việc làm cho người dân, tiếp cận tương đối công bằng với các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chương  trình mục tiêu và chính sách  bảo trợ xã hội đã giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống.

Bà Caitlin Wiesen khuyến nghị, để giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc, ngoài việc mở rộng các dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp. “Việt Nam có thể tiếp tục giảm nghèo hay không phụ thuộc vào khả năng đảm bảo tăng trưởng bao trùm, tạo công ăn việc làm tốt hơn cho người dân và hỗ trợ hiệu quả những người bị bỏ lại xa nhất”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top