Những “hòn vọng phu” trên đỉnh Pú Nhi

09:05 - Thứ Năm, 20/12/2018 Lượt xem: 12678 In bài viết

ĐBP - Gần hai giờ “đánh vật” trên con đường dốc ngược, cuối cùng chúng tôi cũng đến đỉnh Pú Nhi, xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông). Ðón chúng tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Trong câu chuyện sau đó, chúng tôi được người phụ nữ ấy cho biết: Ngày trước các bản trên đỉnh Pú Nhi này đông vui lắm, nhưng từ khi ma túy tràn về thì không ít thanh niên trai tráng và cả đàn ông trung niên đã sa vào con đường nghiện ngập, buôn bán ma túy. Nhiều người bị kết án tử hình, nhẹ hơn thì chung thân hoặc vài chục năm giam giữ cải tạo. Ở đây bây giờ nhiều hộ gia đình chỉ còn lại phụ nữ, trẻ em.

 

Một góc xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông). Ảnh: Mai Phương

Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Vũ Huyền Trang, cán bộ tăng cường của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tại xã Pú Nhi bắt đầu với những chi tiết buồn như thế. Như để minh chứng, chị Trang đưa chúng tôi đến gặp góa phụ Sùng Thị Dớ, ở bản Pú Nhi A. Ban đầu nhìn chị chẳng ai có thể đoán đúng tuổi bởi dù mới hơn 30 tuổi nhưng Dớ trông già quá! Gương mặt khắc khổ, đen sạm đầy nếp nhăn. Từ ngày chồng chị là Hạng A Tịnh (sinh năm 1987) bị bắt vì tội buôn bán ma túy, mọi công việc trong gia đình một mình chị gánh vác. Khi nhắc đến chồng, Sùng Thị Dớ không trả lời, không khóc mà chỉ lặng nhìn xa xăm. Bao tháng ngày qua Dớ đã cạn nước mắt, hết khóc thương rồi oán trách chồng chỉ vì ma túy mà bỏ vợ, bỏ con. Căn nhà tuy rộng nhưng chẳng có gì đáng giá. Vài cái xoong đen nhẻm nằm chỏng chơ ở góc bếp lạnh tanh. Khách đến, Dớ mượn mãi mới được vài cái ghế ngồi rồi quay ra than về cái đói, cái nghèo, về tương lai mịt mùng của 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học… Cuộc sống ngày càng thiếu thốn, nhưng khổ nhất là lũ trẻ côi cút, thiếu sự dạy dỗ, che chở của người cha. Thỉnh thoảng 2 đứa em gái sinh đôi có nhắc về bố nó thì đứa con trai cả Hạng A Phủ đang học lớp 8 lại gạt đi. Chúng xấu hổ, hiểu vì sao vắng bố, vì sao gia đình mình cơ cực. Nhiều hôm nhà hết gạo, mẹ thì đi rừng, có khi đến vài ngày mới về. Thằng lớn phải lo ăn uống, tắm giặt, cho hai em ngủ; nó phải vừa làm anh vừa “làm cha” khi đang tuổi thiếu niên! Chị Dớ nghẹn ngào với những giọt nước mắt: Từ ngày chồng lĩnh án tử hình đến nay 4 mẹ con sống khổ lắm, gà lợn bị bắt trộm hết. Chỉ mong con cái được ăn học đủ đầy như đứa trẻ khác. Ðể trang trải tiền ăn học cho các con chị đi làm phụ hồ; ngày nhiều chỉ được vài chục nghìn còn hôm nào không có việc thì chẳng kiếm được đồng nào.

Ở Pú Nhi, dễ dàng bắt gặp cảnh phụ nữ làm những công việc nặng nhọc để mưu sinh. Ðiều đáng nói, trong số 319 hộ của 6 bản: Pú Nhi A, B, C, D, Pu Cai, Háng Giống thì có quá nửa là hộ nghèo và thiếu đói từ  4 - 5 tháng trong năm. Nhiều gia đình cả vợ và chồng bị bắt vì liên quan đến ma túy, bỏ lại đàn con không nơi nương tựa. Cảnh con không cha, vợ không chồng là chuyện phổ biến. Cách nhà chị Dớ một đoạn đường là nhà của chị Ly Thị Sông (bản Pu Nhi D). Từ ngày cha sinh mẹ đẻ, Sông chưa ra khỏi đỉnh núi Pú Nhi trước nhà. Oái oăm thay, lần đầu tiên cô vượt sương mờ non cao, vượt đỉnh Pú Nhi để xuống núi lại là ngày cô phải chứng kiến chồng mình bị đưa ra xét xử rồi lĩnh án tử hình. Sau đó là những tháng ngày Sông chôn vùi xuân sắc trong những khoảnh nương xa ngút. Hôm chúng tôi đến thăm, đúng lúc gia đình đang làm lý cúng ma cho chồng Sông là Hạng Trù Dùa, lĩnh án tử hình tháng 7/2017 vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Anh em họ hàng đến đông, sau cuộc rượu ai nấy đều ngà ngà say. Càng say, Sông càng nhớ về ngày chồng chưa vướng vào ma túy, chăm chỉ cày cấy, thóc lúa đầy bồ, con cái đủ ăn đủ mặc. Giờ giấc mơ đổi đời giàu sang đâu chả thấy, chỉ toàn đau đớn, cơ cực. Gia đình túng thiếu, con đầu học hết lớp 5 phải cho nghỉ, còn 2 đứa nhỏ đang học mẫu giáo chưa biết tương lai học hành ra sao!

Trở về trung tâm xã, chị Vũ Huyền Trang chia sẻ: Ma túy là nguyên nhân chính dẫn đến vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Và người chịu thiệt thòi nhất chính là phụ nữ khi phải một mình gánh trên vai mọi lo toan cuộc sống. Không riêng gì các bản Pú Nhi A, B, C, D mà ở bản Pu Cai, Háng Giống cũng có nhiều số phận như chị Sông, chị Dớ. Chỉ đếm sơ sơ Pú Nhi có 89 người đang cải tạo tại các trại tạm giam trên toàn quốc, trong đó 5 đối tượng án tử hình, 15 án chung thân và 20 năm tù. Nhiều phụ nữ tuổi đời còn trẻ nhưng đã trở thành góa phụ hoặc chờ chồng mãn hạn tù trong vô vọng. Ðó là những mảnh đời như chị Hạng Thị Mái (bản Pú Nhi C) có chồng là Thào Vàng Của (sinh năm 1969) vừa thi hành án tử hình vào tháng 10/2018. Chị Sùng Thị Báu (bản Pú Nhi A) trở thành góa phụ nhiều năm khi chồng là Hạng A Chư cũng lĩnh án tử hình. Chồng chết vì ma túy, Báu cũng chẳng biết nghiện ngập từ bao giờ rồi bỏ bản, bỏ gia đình đi tha hương… Còn lại những trường hợp được ân xá tội chết, nhưng với án chung thân hay 20, 30 năm tù thì ngày về với vợ con, gia đình cũng còn xa lắm. Chỉ khổ những người vợ, đặc biệt những đứa trẻ vắng cha ở Pú Nhi sẽ lớn lên như thế nào khi đói khát bủa vây?

Chia sẻ với những hội viên có chồng là tử tù hoặc đang thi hành án tù, Hội Phụ nữ xã Pú Nhi phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thường xuyên đến động viên, giúp đỡ. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chỉ là muối bỏ bể bởi số chị em có chồng đi tù và hoàn cảnh khó khăn nhiều quá. Việc hỗ trợ chị em chăn nuôi cũng gặp khó khăn bởi nạn trộm cắp vặt do các con nghiện ma túy.

Mặt trời xuống núi, chúng tôi rời Pú Nhi. Sương chiều bắt đầu bao trùm trên đỉnh Pú Nhi, lan dần xuống những mái nhà lụp xụp. Gương mặt thẫn thờ, khắc khổ của những người phụ nữ dằng dặc chờ chồng lại hiện lên đầy xót xa. Tương lai của những đứa trẻ vắng cha ở đây, bao giờ sẽ thoát khỏi sự mịt mờ ấy?

Mai Phương
Bình luận
Back To Top