Dạy nghề cho lao động nông thôn

“Tiếp sức” xây dựng nông thôn mới

08:58 - Thứ Sáu, 21/12/2018 Lượt xem: 12580 In bài viết

ĐBP - Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới thì chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí khó thực hiện. Vì vậy, khi Ðề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) đến năm 2020 được triển khai, tỉnh ta xem đó là cơ hội, là nguồn lực quan trọng “tiếp sức” góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

 

Cán bộ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tuần giáo hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc cây ăn quả cho người dân bản Hua Xa A, B, xã Tỏa Tình.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Ðể triển khai công tác đào tạo nghề cho LÐNT hiệu quả, Sở đã tích cực triển khai công tác đào tạo này gắn với việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát huy thế mạnh của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường lao động. Sở chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm (chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo…); tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LÐNT. Ðào tạo gắn với thực tế sản xuất, đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất của từng vùng, từng lĩnh vực và gắn với sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao quy trình sản xuất mới cho nông hộ. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động doanh nghiệp. Cũng nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền đào tạo nghề theo Ðề án 1956 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về vai trò quan trọng của đào tạo nghề cho LÐNT với phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng NTM. Nhờ đó thu hút lượng lớn người dân tham gia học nghề xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng và có định hướng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành nghề các công ty, doanh nghiệp cần. Từ năm 2008 đến nay, hơn 50.000 lao động khu vực nông thôn trong toàn tỉnh được hỗ trợ học nghề theo Ðề án 1956, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 49,7% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 28,2%).

Với đặc thù hơn 80% dân số làm nông nghiệp, chính vì vậy các ngành nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp được LÐNT đăng ký học nhiều nhất với hơn 70% học nghề nông nghiệp và gần 30% học nghề phi nông nghiệp. Sau đào tạo ngày càng nhiều hơn số người có việc làm thông qua các hình thức tự tạo việc làm bằng cách duy trì việc làm cũ; được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ðặc biệt, nhờ thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LÐNT đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động; trung bình mỗi năm có hơn 2.000 người chuyển từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Cùng với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc cho LÐNT, thời gian qua tỉnh ta đã nỗ lực hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người lao động sau học nghề thông qua việc triển khai chính sách hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp đối với người học nghề (qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội), giúp người dân tạo việc làm, phát triển mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Anh Tòng Văn Thiệu, bản Xôm, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) trước năm 2016 học nghề hàn, xì cơ khí chỉ làm nông nghiệp. Dù chăm chỉ làm ruộng nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu trước hụt sau. Ðược chính quyền địa phương vận động, tư vấn học nghề anh Thiệu đã đăng ký học nghề hàn, xì cơ khí. Học nghề biết việc, mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở cửa hàng và làm dịch vụ, đã đem lại cho anh Thiệu thu nhập khá ổn định, trung bình 7,5 triệu đồng/tháng. Ðây là số tiền không nhỏ đối với anh Thiệu trước khi học nghề và nhiều lao động khu vực nông thôn mơ ước.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LÐNT, cơ cấu ngành nghề đào tạo giảm dần trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh lên 34,34%; triển khai đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên doanh nghiệp tham gia trực tiếp trong quá trình đào tạo và cam kết việc làm đối với người học sau đào tạo.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top