Nan giải đào tạo nghề phi nông nghiệp

09:49 - Thứ Sáu, 21/12/2018 Lượt xem: 10807 In bài viết

ĐBP - Anh Hạng A Chua (bản Trung Phu) là người có tiếng ở xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) nhờ tạo dựng được uy tín và có thu nhập khá ổn định từ nghề sửa chữa xe máy. Làm dịch vụ sửa chữa xe máy tại gia đình, anh Chua kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, anh Chua tâm sự: Trước đây nghĩ rằng nghề sửa chữa xe máy khó nên ngại. Được cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương trong bản tuyên truyền, vận động nên năm 2015 anh Chua mạnh dạn đăng ký học nghề và khăn gói về Trường Cao đẳng Nghề tỉnh cách nhà hơn 50 cây số để học nghề. Được các thầy, cô giáo dạy lý thuyết, tận tình hướng dẫn thực hành tại xưởng; anh Chua có kiến thức nên tiếp cận việc sửa chữa xe máy rất nhanh.

Có tay nghề sửa chữa, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mở cửa hàng dịch vụ sửa chữa xe máy tại nhà ngay đầu bản Trung Phu. Chịu khó mày mò, tích lũy kiến thức, kỹ năng sửa chữa xe máy và lấy tiền công hợp lý nên anh Chua được bà con trong vùng tin tưởng, mỗi khi xe máy hỏng hóc là đều tìm đến để nhờ tư vấn, sửa chữa. Anh Chua cho rằng, nghề sửa chữa xe máy dù không quá gò bó về thời gian, song đòi hỏi tỉ mỉ, kiên trì để tìm, bắt đúng “bệnh”. Công việc này đã giúp anh Chua có thu nhập khá ổn định từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, góp phần giúp gia đình cải thiện cuộc sống.

 

Người lao động xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) học nghề kỹ thuật xây dựng do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh đào tạo. Trong ảnh: Học viên học thực hành xây dựng.

Không chỉ nghề sửa chữa xe máy mà rất nhiều nghề phi nông nghiệp (hàn, xì cơ khí; kỹ thuật xây dựng, cắt may…) được khá nhiều lao động nông thôn tại các địa phương trong toàn tỉnh mạnh dạn học nghề. Sau khi học đã tự tìm được việc làm, tạo việc làm mới đem lại thu nhập khá ổn định. Tuy nhóm nghề phi nông nghiệp được đánh giá có tiềm năng và góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, song trên thực tế số lao động tham học nghề thuộc lĩnh vực này chưa tương xứng. Minh chứng cho điều đó là trong 5 năm (2014 - 2018) mới có gần 5.500 người học nghề phi nông nghiệp (chiếm hơn 22% tổng số lao động nông thôn học nghề).

Ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên, cho biết: Dù đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn học nghề, song do nhận thức về việc thay đổi nghề nghiệp, việc làm của bà con còn hạn chế, nên ngại thay đổi, ngại học nghề để tìm việc làm mới. Chính vì vậy, tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp trên địa bàn huyện còn rất khiêm tốn. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay toàn huyện chỉ có 140 lao động theo học các nghề phi nông nghiệp trong khi có tới 1.880 người tham gia học nghề nông nghiệp.

Không chỉ ở huyện Điện Biên mà tình trạng học nghề phi nông nghiệp tại các địa phương khác trong toàn tỉnh chưa thực sự được người lao động chú trọng. Chính vì vậy, tỷ lệ số người học nghề nhóm nghề này ngày càng ít hơn, dẫn đến các cơ sở dạy nghề khó tổ chức lớp học.

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trên cho thấy, do Điện Biên là tỉnh miền núi, ít nhà máy, doanh nghiệp nên cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp. Phần lớn lao động nông thôn vẫn lựa chọn học nghề nông nghiệp để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ. Bên cạnh đó, do số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đào tạo những nghề phi nông nghiệp (kỹ thuật xây dựng, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, điện lạnh, điện tổng hợp, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn… ) còn hạn chế. Trong khi đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn vì quy mô hoạt động nhỏ và vừa nên chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc đào tạo tay nghề cho người lao động. Do đó lao động học nghề phi nông nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp, khó tìm việc làm mà chỉ dừng lại ở việc tự tạo việc làm để tăng thu nhập. Chính thực trạng này đã tác động không nhỏ đến tư duy của người học khi đứng trước quyết định chọn nhóm nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp.

Để chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp có thể thực hiện thông qua nhiều giải pháp, như tăng đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ làm thay đổi cơ cấu lao động toàn bộ nền kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhu cầu lao động phi nông nghiệp; phát triển mạnh khu vực công nghiệp, dịch vụ ở cả nông thôn và thành thị; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tuy nhiên để thực hiện được bài toán đó cần có thời gian chứ không thể làm trong ngày một ngày hai. Vấn đề trước mắt cần giải quyết đó là nâng chất lượng đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm bằng cách đầu tư nâng cao năng lực đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề; thực hiện chuyển đổi nghề thông qua việc phối hợp đào tạo nghề giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hoặc giữa người dân địa phương với doanh nghiệp thông qua các hình thức đào tạo ngắn hạn, trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hình thức doanh nghiệp thuê đối tác đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động. Tỉnh cũng cần có chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ đối với doanh nghiệp về tài chính, tín dụng, các chính sách ưu đãi để giảm bớt chi phí đầu vào, tạo động lực trong việc sản xuất và mở rộng sản xuất, thu hút, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo tại địa phương.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top