Phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề

Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề

10:23 - Thứ Hai, 24/12/2018 Lượt xem: 11511 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, thị trường lao động đã có nhiều thay đổi, nhu cầu lao động phổ thông giảm dần, thay vào đó là đòi hỏi những lao động có tay nghề. Vì thế, chất lượng đào tạo nghề cho người lao động đang là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác quản lý và đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh một số yếu tố thuộc quá trình đào tạo, như: chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý đào tạo, cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo, nguồn tài chính hỗ trợ đào tạo thì đội ngũ giáo viên dạy nghề có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo.

 

Người dân phường Sông Đà (TX. Mường Lay) sản xuất nấm ăn tại gia đình sau khi học nghề kỹ thuật trồng nấm.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Điện Biên đã rất chú trọng tới công tác đào tạo nghề cho người lao động. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề trên địa bàn đã được bổ sung về số lượng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học. Về số lượng, giáo viên, giảng viên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo của tỉnh, với 198 giáo viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 5 người có trình độ thạc sĩ, 147 đại học, 20 cao đẳng, trung cấp; trình độ khác là 26 người. 147 giáo viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về trình độ sư phạm kỹ thuật, sư phạm dạy nghề, sư phạm bậc II. Tuy nhiên việc bố trí sắp xếp ở một số bộ phận chưa hợp lý, một số giáo viên chuyên môn chưa phù hợp với nghề đào tạo. Đơn cử, như cơ sở giáo dục nghề nghiệp huyện Nậm Pồ hiện chưa có giáo viên cơ hữu, chủ yếu đào tạo bằng hình thức liên kết với các cơ sở đào tạo khác. Bên cạnh đó, dù các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đến việc chuẩn trình độ Tin học của giáo viên dạy nghề; nhưng số giáo viên có trình độ Tin học đạt chuẩn còn hạn chế (đạt hơn 47,4%). Việc minh họa bài giảng bằng hình ảnh hoặc video clip… giúp người học dễ nhớ, dễ hiểu. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học chưa cao, mới chỉ tập trung tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên - nơi được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tốt; còn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, việc tổ chức giảng dạy thường diễn ra tại xã, thôn bản nên khó sử dụng máy chiếu hoặc các phương tiện internet khác.

Thực hiện thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp là yêu cầu quan trọng của một giáo viên dạy nghề, đặc biệt là với tỉnh ta chủ yếu theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Do đó, thực hành kỹ năng nghề tốt sẽ nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, tổng số giáo viên đạt chuẩn về kỹ năng nghề theo quy định hiện hành chỉ có 38 người (đạt gần 19,6% tổng số giáo viên dạy nghề toàn tỉnh). Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ giáo viên trẻ về tuổi nghề, một số chưa được tiếp xúc nhiều với thực tế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; ít được tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt cho đối tượng học viên là lao động nông thôn. Một số nghệ nhân, thợ tay nghề cao nhưng chưa đủ điều kiện tham gia giảng dạy do thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Từ thực trạng này cho thấy, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy nghề cần được tăng cường, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên trẻ tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề; chuẩn hóa kiến thức chuyên môn, trình độ tin học cho giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp và người tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức các cuộc thi tay nghề hàng năm để tìm kiếm người có tay nghề cao, bồi dưỡng và khuyến khích tham gia giảng dạy.

Cùng với đó là cần đổi mới các khâu tuyển dụng, chỉ tuyển dụng giáo viên đúng chuyên ngành, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tại các huyện, thị. Xây dựng kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp để bố trí giáo viên dạy nghề trải nghiệm thực tiễn sản xuất, sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ áp dụng phổ biến trong sản xuất, dịch vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học viên. Từ đó cung cấp cho học viên kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động cần cũng như giúp giảng viên không bỡ ngỡ giữa công nghệ, thiết bị đang giảng dạy với công nghệ, thiết bị đang phổ biến trong nền kinh tế. Cần thực hiện các chính sách đãi ngộ tốt để thu hút giáo viên giỏi, như: đối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá giỏi có ngành nghề đào tạo phù hợp cần được ưu tiên xét tuyển thẳng vào các cơ sở dạy nghề. Đồng thời có chính sách ưu đãi đối với sinh viên của tỉnh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng Sư phạm kỹ thuật để thu hút, bổ sung lực lượng giáo viên dạy nghề… Và bên cạnh những chính sách chung đối với nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân cần có chính sách khác, như: chế độ làm việc, chế độ sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên khi thực hành các nghề độc hại, nguy hiểm... Từ đó mới giúp giáo viên dạy nghề yên tâm làm nghề, phát huy khả năng, năng lực trong truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề cho học viên, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ của xã hội, doanh nghiệp và của từng địa phương.

Bài, ảnh: Gia Kiên
Bình luận
Back To Top