Cần sớm đưa rượu thủ công vào khuôn khổ

10:03 - Thứ Tư, 26/12/2018 Lượt xem: 11523 In bài viết

Có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu thủ công, trong khi loại rượu này vẫn đang bị thả nổi, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngộ độc vì rượu thủ công kém chất lượng, pha tạp hóa chất ngày càng xảy ra trên diện rộng. Đã đến lúc, phải đưa rượu thủ công vào khuôn khổ.

 

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra một cơ sở sản xuất rượu tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội).

Rượu thủ công bị thả nổi

Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 320 triệu lít rượu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 70 triệu lít rượu được kiểm soát chất lượng, còn lại phần lớn là do người dân tự chế biến theo phương pháp thủ công không qua kiểm tra, kiểm soát.

Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2017, toàn quốc đã xảy ra 28 vụ ngộ độc thực phẩm (5,6 vụ/năm) do sử dụng rượu không bảo đảm ATTP làm 193 người mắc và 34 người chết. Trong đó có 22/63 (34,9%) tỉnh/thành phố ghi nhận xảy ra vụ ngộ độc do rượu; một số tỉnh, thành phố được ghi nhận xảy ra nhiều vụ ngộ độc do rượu là tỉnh Bắc Cạn (ba vụ), Nghệ An, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội (hai vụ).

Hầu hết trường hợp ngộ độc đều do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không được cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, sản phẩm do người tiêu dùng tự pha chế và nấu sẵn. Thống kê cho thấy, các loại rượu đã sử dụng trong 28 vụ ngộ độc thực phẩm là rượu trắng có hàm lượng methanol cao (32,1%), rượu ngâm thuốc là 5/28 vụ (17,9%), rượu ngâm cây rừng độc là 11/28 vụ (39,3%), rượu ngâm củ ấu là 3/28 vụ (10,7%).

Đáng lo ngại, trong tổng số các vụ ngộ độc rượu giai đoạn từ 2013 đến 2017,rượu trắng có hàm lượng methanol cao gây nên số ca mắc và tử vong nhiều nhất trong các vụ ngộ độc do sử dụng rượu (57,5% tổng số mắc và 70,6% tổng số chết).

Tại Lai Châu, năm 2017, vụ ngộ độc tập thể do sử dụng rượu thủ công đã làm 10 người chết, hơn 40 người phải nhập viện. Riêng tại TP Hà Nội, năm 2017, có 31 người bị ngộ độc methanol do uống rượu, trong đó có năm người chết. Những con số giật mình này cho thấy, ngộ độc do rượu thủ công hoặc rượu không kiểm soát được nguồn gốc chiếm tỷ lệ cao. Chỉ riêng dịp Tết Đinh Dậu 2017 đã có đến 702 trường hợp cấp cứu tại cơ sở y tế do ngộ độc rượu.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các ngộ độc rượu thường chủ yếu gồm ngộ độc etylic (rượu ethanol) và ngộ độc methylic (methanol). Trong đó, methanol là một hóa chất cực độc, chỉ cần uống từ 5ml đến 15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên đã gây mù lòa và 30ml có thể gây chết người.

Việt Nam thuộc 12 quốc gia trên thế giới vẫn còn cho phép người dân tự nấu rượu. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia quy mô nhỏ, thủ công chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyt trong rượu thủ công còn chưa tốt, hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công nên tử vong do ngộ độc rượu còn cao. Chất lượng của rượu thủ công không được quản lý dẫn đến tác hại về sức khoẻ không kiểm soát được và nhà nước không thu được thuế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo ước tính, hiện vẫn còn khoảng hơn 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được về sản lượng, chất lượng và tiêu dùng (chưa cấp phép, chưa có đăng ký với chính quyền ) và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này.

Cần đưa rượu thủ công vào khuôn khổ

Hành lang pháp lý vẫn còn bỏ ngỏ việc quản lý rượu thủ công. Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động, chỉ khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ. Nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không có đăng ký, cấp phép nhưng vẫn đưa ra bán trên thị trường

Để siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Dự thảo Luật đưa ra một số quy định mới cần thiết đối với việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và quy định mật độ điểm bán rượu, bia.

Đối với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, Luật quy định không phải cấp giấy phép nhưng người sản xuất phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất, cam kết về một số chỉ tiêu chất lượng, an toàn, cam kết không bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ trưởng Công thương.

“Dự thảo cũng quy định từng bước giảm sản lượng sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh theo lộ trình quy định của Chính phủ”, TS Nguyễn Huy Quang cho biết.

Dự thảo Luật cũng đưa ra đề xuất Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh thống kê sản lượng sản xuất rượu thủ công trong tỉnh và trên toàn quốc, đề xuất lộ trình, biện pháp giảm dần sản lượng rượu thủ công. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định gắn trách nhiệm đối chính quyền địa phương trong việc quản lý rượu thủ công: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, giao nhiệm vụ đầu mối quản lý rượu thủ công tại địa phương; phân công nhiệm vụ và tổ chức việc hướng dẫn hộ gia đình, người dân sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng, an toàn, tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, đăng ký với chính quyền địa phương theo quy định.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đề xuất: song song với quản lý được nguồn gốc xuất xứ của rượu, cần có chế tài xử phạt thật nặng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.

Việc có Luật Phòng chống tác hại rượu, bia là một sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Ðảng về "phòng bệnh hơn chữa bệnh", kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động…

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top