Lá ngón - nỗi ám ảnh đớn đau

08:52 - Thứ Năm, 27/12/2018 Lượt xem: 12397 In bài viết

ĐBP - Mới chỉ ngày hôm trước, khi người viết đang chuẩn bị tư liệu về tình trạng ăn lá ngón tự tử tại một số bản thuộc xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) do tổ công tác số 3 phụ trách, thì đến hôm sau, thêm một tin có người ăn lá ngón tử vong tại bản Huổi Hịa cùng xã Xa Dung. Nạn nhân là một cô bé 14 tuổi, càng đau xót hơn khi trong bụng em đã có một mầm sống 6 tháng tuổi.

Nỗi đau và những giọt nước mắt in hằn trên nét mặt những người thân, bạn bè, hàng xóm của cô bé. Chúng tôi không biết phải nói với họ như thế nào vì chính bản thân đã rất nhiều lần tự hỏi: Tại sao lại chọn cái chết để giải quyết những vướng mắc của bản thân? Tại sao cứ phải là lá ngón? Tại sao những cái chết bằng loài cây ấy luôn dai dẳng bám theo người dân nơi đây? Tại sao các em đã được học, được nghe cha mẹ nói, được nghe thầy cô khuyên, được chứng kiến những bài học thương tâm khác mà vẫn ăn lá ngón để tự tử?

Tình trạng ăn lá ngón tự tử đang diễn ra phổ biến tại một số bản vùng cao huyện Ðiện Biên Ðông nói riêng và nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nói chung. Theo thống kê của tổ công tác số 3, chỉ tính riêng bản Mường Tỉnh B, nơi tổ công tác đang thực hiện nhiệm vụ, số người nghiện có 9 người, nhưng số người chết vì ăn lá ngón trong khoảng 7 - 8 năm vừa qua đã lên tới 10 người, đặc biệt có trường hợp 2 - 3 người cùng ăn và tử vong trong 1 ngày. Ðó là chưa kể số người ăn lá ngón và được cứu sống kịp thời. Nếu chỉ tính những trường hợp ăn lá ngón, con số thống kê trên có lẽ còn tăng lên rất nhiều. Chỉ trong thời gian tổ công tác thực hiện nhiệm vụ (từ ngày 1/4 đến nay, tại 6 bản phụ trách) đã có tới 4 trường hợp tử vong bằng lá ngón. Trong khi đó, người chết vì bệnh tật, tuổi cao thì chỉ có 1.

Ðối tượng ăn lá ngón cũng rất nhiều, nhưng đa phần là phụ nữ, độ tuổi trung bình từ 14 - 27, cá biệt có một số trường hợp dưới 14 tuổi, chủ yếu là học sinh, đã có vợ hoặc chồng, cũng có trường hợp là người đi làm. Khi được hỏi tại sao các em thường nghĩ đến lá ngón khi có ý định tự tử, người dân tại đây đa phần đều cười gượng và trả lời là không biết, cũng có khi giải thích rằng trong dòng họ đã có người ăn lá ngón thì trước sau sẽ lại có người ăn… Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến ăn lá ngón chủ yếu là do mâu thuẫn giữa vợ với chồng, anh với em, cha mẹ với con cái… có khi là những xích mích, va chạm rất đơn giản trong đời sống hàng ngày. Lá ngón, tự bản thân nó đã trở thành nỗi ám ảnh đến mức “bình thường” tại nơi đây, nó xuất hiện liên tục trong những câu đùa của các bạn thanh thiếu niên, những câu nói cửa miệng hàng ngày. Ðể rồi khi không kiềm chế được bản thân, trong một phút thiếu suy nghĩ, cuộc đời các em đã khép lại nhanh chóng, để lại nỗi đau đớn tột cùng cho những người ở lại.

Chúng ta phải làm gì đây? Câu hỏi ấy luôn xuất hiện trong tâm trí những người trong tổ công tác số 3 kể từ khi nhận nhiệm vụ tại đây. Chính quyền huyện, xã chắc chắn đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân, đã có rất nhiều dự án được phát động, hiệu quả đạt được là số người tử vong vì lá ngón đã giảm so với trước đây. Nhưng có lẽ chúng ta cần nhiều hơn những tiếng nói, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức hơn, cần huy động thêm nhiều đối tượng tham gia, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cần coi tình trạng ăn lá ngón tự tử là một vấn nạn, hơn là một hiện tượng. Do đó, thời gian tới, tổ công tác sẽ phối hợp cùng người dân trong các bản được giao phụ trách đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức nhổ, đốt cây lá ngón tại một số địa điểm dễ tìm thấy, hạn chế sự lan rộng của loài cây nguy hiểm này. Tuy nhiên, đó chỉ là một biện pháp mang tính tương đối, điều cốt yếu ở đây là phải làm sao cho người dân biết quý trọng bản thân, cuộc sống của chính mình. Có như vậy, chúng ta mới không phải chứng kiến những cái chết đau lòng và thương tâm.

Ðức Cảnh
Bình luận
Back To Top