Sang tên đổi chủ phương tiện là cần thiết

08:53 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 11084 In bài viết

ĐBP - Thủ tục không phức tạp, thời gian giải quyết nhanh gọn, thái độ cán bộ niềm nở, tận tình, đó là những gì chúng tôi nhận thấy tại bộ phận đăng ký xe, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) (Công an tỉnh). Nhiều người dân đến làm thủ tục thừa nhận việc sang tên đổi chủ phương tiện không khó khăn như họ từng nghĩ. Ðang chờ đến lượt làm thủ tục sang tên cho chiếc xe máy của mình, anh Nguyễn Tiến Minh, tổ dân phố 14, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Chiếc xe này tôi mua lại của một người bạn từ đầu tháng. Ðược biết quy định xe không sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt hành chính, vì vậy tôi đi làm thủ tục sang tên mình cho yên tâm và tôi thấy thủ tục cũng không quá phức tạp.

 

Người dân làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện tại Phòng CSGT (Công an tỉnh).

Quy định xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện vì phải điều chỉnh. Theo Nghị định 46/2016/NÐ-CP, từ ngày 1/1/2017, CSGT sẽ phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình), gồm: mua, được cho, được tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô. Ðối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng và các loại xe tương tự xe ô tô, theo Nghị định 171/2013/NÐ - CP, bắt đầu từ ngày 1/1/2015, lỗi không sang tên, đổi chủ sẽ bị phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng với cá nhân, từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với tổ chức.

Giải thích rõ hơn về quy định này, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Việc xử lý đối với chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, thừa kế chỉ được cơ quan chức năng xử phạt trong hai trường hợp: Khi điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe. Ðiều này đồng nghĩa với việc người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn để tham gia giao thông không bị xem xét, xử lý về hành vi vi phạm này. Bên cạnh đó, việc sang tên đổi chủ phương tiện là cần thiết, tác động tới ý thức của chủ phương tiện về việc đảm bảo tài sản của mình, tránh những trường hợp tranh chấp không đáng có khi không sang tên. Trong công tác giải quyết tai nạn giao thông, việc đăng ký chính chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong quá trình điều tra. Thống kê từ tháng 1/2017 đến nay, lực lượng CSGT đã ra quyết định xử phạt 20 chủ xe ô tô và 83 chủ xe mô tô không làm thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định với số tiền xử phạt trên 47 triệu đồng.

Ðể đảm bảo cho tất cả các chủ phương tiện đều có thể đăng ký, sang tên đổi chủ nhanh chóng, đúng quy định, cùng với việc chỉ đạo Ðội Quản lý phương tiện Xe cơ giới đường bộ giải quyết nhanh chóng các thủ tục sang tên đổi chủ cho người dân theo đúng quy định, thời gian qua, Phòng CSGT còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp tận tình những thắc mắc của người dân trong quá trình làm thủ tục sang tên đổi chủ cho phương tiện. Sau khi hoàn thành thủ tục mua, bán xe, trong thời hạn 30 ngày, chủ phương tiện phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định. Sau 30 ngày, chủ phương tiện hoàn thành thủ tục mua bán xe mà không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top