Những thanh niên thời đại 4.0

11:05 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 11770 In bài viết

ĐBP - Là lực lượng trẻ, luôn xung kích, đi đầu trong mọi hoạt động, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ công việc; tìm hướng đi mới trong sản xuất làm giàu cho mình, tạo việc làm cho nhiều người…

 

Hợp tác xã Thanh niên sản xuất bánh khẩu xén góp phần duy trì nghề truyền thống và tạo việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên nông thôn trên địa bàn TX. Mường Lay.

Là 1 trong 36 điển hình nhận Giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ 5, năm 2018, chị Trần Thị Hoa, viên chức Phòng Tổ chức, kiêm giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên có nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được UBND tỉnh tặng Bằng khen với thành tích xuất sắc trong chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Ðoàn trường, những năm qua, chị đã cùng Ban Chấp hành Ðoàn trường tham mưu cho Ðảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường triển khai tổ chức nhiều phong trào, hoạt động thiết thực: Tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện quyên góp ủng hộ trên 30 triệu đồng cùng quần áo, sách vở cho các em học sinh nghèo vùng cao xã Pá Mì (huyện Mường Nhé); tổ chức các hoạt động, phong trào Ðoàn nhằm thực hiện phong trào “Tuổi trẻ Ðiện Biên học tập và làm theo lời Bác”; “Sinh viên 5 tốt”; “Sinh viên xây dựng môi trường xanh sạch đẹp”... 

Ngoài ra, chị Trần Thị Hoa luôn ý thức học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao kiến thức về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Trong 7 năm công tác chị có 6 đề tài nghiên cứu khoa học như: “Xây dựng phần mềm quản lý nhân sự, nâng lương tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên”; “Xây dựng phần mềm quản lý QMS ISO 9001: 2008 tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên”; “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trang thông tin điện tử (website) Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên”... Các đề tài nghiên cứu đều được Hội đồng khoa học của trường đánh giá cao. Trong đó, “Phần mềm quản lý QMS ISO 9001:2008” đã đạt danh hiệu Sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh và giải nhì trong Hội thi tin học trẻ tỉnh Ðiện Biên năm 2016; phần mềm quản lý hồ sơ nhân sự và công tác thi đua, khen thưởng đạt giải nhì tại Hội thi Tin học khối cán bộ, công chức, viên chức trẻ tỉnh Ðiện Biên lần thứ II - năm 2017. Hiện nay, phần mềm quản lý hồ sơ nhân sự và công tác thi đua, khen thưởng đang được triển khai áp dụng tại Sở Nội vụ, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Trường cấp 2, 3 Noong Hẻo (tỉnh Lai Châu).

Cùng với những đoàn viên thanh niên trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học; nhiều đoàn viên thanh niên nông thôn đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa khọc kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Những cái tên tiêu biểu phải kể đến, như: Nguyễn Văn Huỳnh, đội 3, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên); Thùng Văn Lực, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); Lê Minh Tuấn, bản Tà Lèng, xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ)...

Ðoàn viên thanh niên Mào Văn Hợi, Bí thư Chi đoàn bản Bắc 2, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) sinh ra trong gia đình kinh tế khó khăn, đông anh em nên học hết lớp 9 anh phải nghỉ học để phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học. Không cam chịu đói nghèo, năm 2003, anh Hợi bàn với gia đình vay mượn anh em và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 65 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm, kết hợp nuôi gà, vịt... Nhờ năng động học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Trung bình mỗi năm gia đình anh Hợi xuất ra thị trường 2 lứa lợn, gà (mỗi lứa từ 10 - 20 con lợn, gần 200 con gà, vịt). Kết hợp với sản xuất nông nghiệp mỗi năm gia đình anh Hợi thu về trên 70 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, nhận thấy quê hương có nghề truyền thống làm bánh khẩu xén nhưng mới chỉ dừng lại ở sản xuất nhỏ lẻ, anh Hợi có ý tưởng mở xưởng sản xuất xây dựng thương hiệu nghề truyền thống. Anh tập hợp đoàn viên thanh niên bản Bắc 2 thành lập Hợp tác xã Thanh niên sản xuất bánh khẩu xén gồm 12 hội viên chung vốn đầu tư cơ sở vật chất (gồm 5 máy nhào bột; 10 dao cắt bánh…). Nguyên liệu chủ yếu làm khẩu xén là gạo, sắn sẵn có trên địa bàn nên chi phí sản xuất thấp; thành phẩm có giá 35.000 đồng/kg; cung cấp chủ yếu cho các đại lý trên địa bàn thị xã và TP. Ðiện Biên Phủ... Trung bình mỗi năm trừ chi phí, Hợp tác xã thu về trên 150 triệu đồng. Không chỉ có thu nhập ổn định cho các hội viên mà Hợp tác xã còn tạo việc làm cho 5 - 7 lao động với thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Ðúng như đánh giá của đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn, Ðặng Thành Huy: Phát huy tinh thần tiên phong xung kích, những năm gần đây đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh dù ở cương vị nào, làm công việc gì cũng đã có nhiều cố gắng học tập, nghiên cứu để sử dụng khoa học công nghệ, giúp bản thân ngày một tiến bộ hơn. Dù còn nhiều khó khăn và việc bắt nhịp với công nghệ hiện đại (công nghệ 4.0) còn những khoảng cách so với các tỉnh miền xuôi, song đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận và cổ vũ.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top