Bình yên trên đỉnh Tả Ló San

11:11 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 11271 In bài viết

ĐBP - Lần đầu đến bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé), chúng tôi khá ấn tượng với cuộc sống yên bình, đủ đầy và dung dị của 25 hộ dân tộc Hà Nhì nơi đây. Nằm cách xa trung tâm xã hơn 30km và tách biệt hẳn với các bản khác, nhiều năm qua đời sống của người Hà Nhì ở Tả Ló San đều là tự cung tự cấp. Tuy vậy, nhờ biết tận dụng nguồn lợi từ thiên nhiên và bản tính cần cù, chịu khó, cuộc sống của người Hà Nhì nơi đây từ lâu đã không còn đói khổ. Bà con sống đoàn kết, chung tay bảo vệ rừng và giữ gìn trật tự an ninh biên giới.

 

Một góc bản Tả Ló San.

Ðón chúng tôi ở đầu bản, ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng bản Tả Ló San kể: “Người Hà Nhì chúng tôi di cư từ xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ) sang đây sinh sống đã tròn 20 năm, ngày ấy nhóm chúng tôi chỉ là vài hộ dân, đời sống còn nhiều khó khăn. Khi đặt chân tới đỉnh núi cao này, nhận thấy “thiên thời địa lợi nhân hòa”, chúng tôi đã dựng lán, sinh sống xung quanh con suối Tả Ló và khai thác nguồn lợi từ suối để mưu sinh. Tên bản Tả Ló San (nghĩa là suối chung trên đỉnh núi) cũng ra đời từ đó”.

Bằng việc đánh bắt thủy sản dưới suối và khai hoang đất nương trồng ngô, trồng lúa, người Hà Nhì ở Tả Ló San tự cung cấp đủ cho nhu cầu cuộc sống của họ. Ðến khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con tiếp tục mở rộng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình nuôi nhiều gia súc trong bản, Trưởng bản Lỳ Khò Chừ chia sẻ: “Trong bản, nhà nào cũng nuôi trâu, bò, ít thì vài con, nhiều thì vài chục con. Như nhà ông Chảo Xè Chử, nuôi tới 30 con bò. Từ lâu, gia súc, gia cầm không những cung cấp đủ nhu cầu cho bà con trong bản, mà còn phục vụ cho người dân các bản khác trong xã Sen Thượng và một vài bản giáp ranh của thị trấn Khúc Thủy (huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) sang thu mua”.

Không chỉ cần cù, nỗ lực phát triển đời sống, điều đặc biệt chúng tôi nhận thấy ở bản Tả Ló San là sự đoàn kết, văn minh, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn văn hóa truyền thống và chung tay bảo vệ rừng. Mặc dù, đời sống người dân khá đầy đủ, nhưng mỗi gia đình trong bản cũng đã sinh ít con. Họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì, như: trang phục, tiếng nói, nếp nhà và lễ tục truyền thống. Cùng với đó, 25.000ha rừng già, nguyên sinh và tái sinh xung quanh bản nhiều năm nay vẫn được bà con giữ gìn gần như nguyên vẹn. “Người Hà Nhì ở Tả Ló San rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng. Tuy sinh sống cạnh rừng nhưng bà con chỉ sử dụng lợi tức từ rừng chứ không khai thác bừa bãi. Ý thức bảo vệ rừng đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, khiến bản Tả Ló San trở thành điểm sáng về bảo vệ rừng trong xã Sen Thượng và huyện Mường Nhé” - Thiếu tá Nguyễn Trọng Toản, Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng Tả Ló San (thuộc Ðồn Biên phòng Sen Thượng) cho biết.

Cũng theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Trọng Toản, công tác tại bản Tả Ló San 2 năm, anh thấy bà con trong bản sống rất đoàn kết, chưa bao giờ xảy ra xung đột, bất hòa. Vào mỗi dịp lễ, tết hay gia đình nào có cưới hỏi, ma chay là cả bản đều tập trung về một gia đình để cùng tổ chức. Ðối với các bản láng giềng của nước bạn Trung Quốc như:  Cà Mà Chế, Già Ma Khồ 1, Già Ma Khồ 2, Mù Cá... sinh sống bên kia suối Tả Ló, người Hà Nhì ở Tả Ló San cũng có mối quan hệ thân tình và hòa thuận với họ. Nhờ đó mà công tác bảo vệ an ninh trật tự biên giới của tổ công tác và của đồn cũng được đảm bảo hơn.

Xế chiều, rời bản Tả Ló San sau những cái bắt tay thân mật và những món quà rừng do bà con trong bản gửi gắm, chúng tôi xúc động vì hiểu rằng, ở một nơi xa xôi cách trở như bản Tả Ló San, cuộc sống yên bình, no đủ và hòa thuận được tạo dựng từ chính nội lực, ý chí của người dân tộc Hà Nhì nơi đây. Mong rằng, từ sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc đầu tư hệ thống đường giao thông và điện lưới quốc gia, thời gian tới, đời sống của người Hà Nhì ở Tả Ló San tiếp tục được nâng cao, hòa vào sự phát triển chung của huyện Mường Nhé. 

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top