Xuân ấm nơi địa đầu Tổ quốc

16:04 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 11832 In bài viết

ĐBP - Mùa xuân đến, xã biên giới Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) trải dài một màu xanh biếc của nương ngô, nương lúa, xen lẫn những bản của đồng bào Mông, Hà Nhì. Từ vùng đất khó, với sự đoàn kết và khao khát dựng xây, người dân nơi đây đã và đang tạo dựng một cuộc sống mới nơi địa đầu cực Tây Tổ quốc...

 

Cán bộ xã Leng Su Sìn trao ngô giống hỗ trợ bà con phát triển kinh tế.

Ðến Leng Su Sìn khi sương mờ đã bao trùm những cánh rừng, chúng tôi tiến thẳng về bản A Di (bản 100% là người Hà Nhì). Sau khi dẫn chúng tôi thăm bản một vòng, trở về với ngôi nhà khang trang, bên bếp lửa hồng và ấm trà nóng hổi, Trưởng bản Khoàng Dèn Xà nói như khoe: “Bản vừa được công nhận bản văn hóa đấy”. Ðể có được kết quả ấy, từ 1 bản với nhiều thứ “không”, nay người Hà Nhì đã được Ðảng, Nhà nước mở đường, dẫn điện về bản, hỗ trợ nông cụ sản xuất, xây dựng thủy lợi, kênh mương để có đất sản xuất. Người Hà Nhì không còn phụ thuộc vào rừng nữa... Bản có 19 nóc nhà, với quyết tâm xây dựng đời sống mới, nên đa phần bà con đã thoát nghèo. Ðặc biệt nhiều nhà với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đã biết trồng cây lúa, cây ngô theo khoa học, loại bỏ lối canh tác lạc hậu nên kinh tế khá giả, mua sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh… Xuân này, cuộc sống của người Hà Nhì đã có nhiều khởi sắc, ấm no, hạnh phúc hơn.

Ðể hiểu rõ hơn nguồn cội cũng như những bước ngoặt đánh dấu thành tựu của người dân nơi đây, chúng tôi tìm gặp ông Trịnh Duy Ðáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ðáp cho biết: Leng Su Sìn - theo tiếng của người Hà Nhì nghĩa là “Khe nước mát”. Những người già ở bản nói rằng, cái tên ấy đã có từ khi người Hà Nhì hạ sơn lập bản cạnh con suối Voi trong vắt cách đây nhiều thế hệ. Chỉ cách đây hơn một thập kỷ, người dân Leng Su Sìn gặp muôn vàn khó khăn, có đất mà không biết cày, bừa, trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế, khiến cuộc sống người dân luôn trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu. Với bản tính hay lam, hay làm không chịu lùi bước trước khó khăn, thách thức, cùng với sự hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án (Ðề án Hỗ trợ 29 xã biên giới, Nghị quyết 30a, xây dựng nông thôn mới...) đã tạo tiền đề giúp kinh tế Leng Su Sìn có bước chuyển mình rõ rệt. Nhân dân các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, hăng say lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Năm 2018, lương thực bình quân của xã đạt 395 kg/người.

Với quyết tâm “giúp người dân thoát nghèo, nhưng phải là thoát nghèo bền vững”, xã đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng. Năm 2018, công trình thủy lợi Leng Su Sìn được đầu tư sửa chữa, phục vụ tưới tiêu cho hơn 4ha lúa nước 2 vụ. Trong tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế, ngoài trồng trọt, xã vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại. Ðồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân mở rộng, phát triển kinh doanh, dịch vụ hàng hóa. Năm qua, xã được hỗ trợ 25 con trâu, hơn 40 con bò cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc 7 bản, nâng tổng đàn vật nuôi toàn xã lên hơn 6.000 con, góp phần tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường; hơn 20 hộ dân trong xã đăng ký kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu nhân dân. Khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được đảm bảo, trường lớp học vì thế cũng được kiên cố hóa, trang thiết bị dạy học đầy đủ, góp phần “ươm mầm” tri thức cho trẻ em vùng cao.

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, song với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” Ðảng bộ, chính quyền xã Leng Su Sìn đã tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ưu tiên thực hiện các phần việc có tính khả thi và tạo sức lan tỏa trong nhân dân, như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông, phát triển sản xuất... Ðặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng thụ”; nhân dân đã tích cực tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bà con ở các bản chủ động xây dựng chỉnh trang nhà ở, dọn dẹp đường làng ngõ xóm sạch đẹp... Ðến nay, xã Leng Su Sìn đã cán đích 5/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Ðặc thù là xã biên giới, nên Leng Su Sìn luôn là “điểm nóng” về tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội… Phát huy vai trò tiên phong, người dân các bản biên giới luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới; cảnh giác trước những thông tin tuyên truyền của kẻ xấu.

Chia tay Leng Su Sìn chúng tôi vẫn nhớ như in câu nói của Chủ tịch Trịnh Duy Ðáp: “Mỗi người dân Leng Su Sìn sẽ là tấm lá chắn vững chắc, canh giữ vùng biên cương cực Tây của Tổ quốc”. Còn chúng tôi thì mong cuộc sống của đồng bào nơi đây sẽ luôn no ấm, đủ đầy hơn...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top