Tủa Chùa trước thềm năm mới

16:06 - Thứ Sáu, 28/12/2018 Lượt xem: 12713 In bài viết

ĐBP - Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp khi đến Tủa Chùa là ông Sùng A Vang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ) - người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và chứng kiến biết bao đổi thay của vùng đất này. Nhà ông Sùng A Vang nằm khiêm tốn tại khu Thành Công, thị trấn Tủa Chùa. Ở tuổi bát tuần, ông Sùng A Vang vẫn nhanh nhẹn, tinh anh, với giọng nói sang sảng, ông bảo: Trước kia, Tủa Chùa được gọi theo tiếng Quan Hỏa là Tả Chải, nghĩa là cái bản to. Khi thành lập châu Tủa Chùa năm 1955, cả huyện chỉ có 8 xã, 43 bản với 8.410 người nên có tên gọi như thế. Năm 1977 thêm 3 xã: Mường Báng, Mường Ðun, Xá Nhè của huyện Tuần Giáo sáp nhập về Tủa Chùa, nâng tổng số xã của huyện lên 11 xã. Từ khi thành lập đến nay, huyện trải qua hai lần “thiên di”. Lần thứ nhất là vào tháng 12/1966, trung tâm hành chính huyện chuyển từ Tả Phìn về xã Sính Phình. Sau 21 năm cắm chốt, tháng 4/1988, huyện chuyển về xã Mường Báng và 1 năm sau, thị trấn Tủa Chùa được thành lập. Từ đó đến nay Tủa Chùa vẫn giữ nguyên 12 xã, thị trấn.

 

Tận dụng những phần đất hiếm hoi, bà con người Mông ở Tủa Chùa gieo ngô làm lương thực phục vụ chăn nuôi.

Chia tay ông  Sùng A Vang, chúng tôi ngược lên các xã phía Bắc của huyện. Nơi đây chủ yếu là những dãy núi đá tai mèo. Người Tủa Chùa coi đá như một phần trong đời sống của họ, đá hiện hữu khắp nơi. Ðá trên nương, dưới ruộng, đá thấp thểnh mặt đường, “chạy” cả vào sân nhà, dưới gầm sàn và trong những trò chơi con trẻ. Ðá theo người dân từ nương vào trong cả những giấc mơ chập chờn, mộng mị. Thế nên, đá vừa là bạn, vừa là “đối thủ” của 7 dân tộc anh em (Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá). Từ đời này qua đời khác, người dân Tủa Chùa dùng tay trần, sức vóc chọi vào đá để mưu sinh, để xây dựng cuộc sống ấm no.

Trên quãng đường quanh co, chúng tôi gặp vợ chồng Giàng A Khu, thôn Tà Dê (xã Tả Phìn) đang cho trâu cày bên những hốc đá tai mèo. Cứ cày được luống đất nào, vợ của Khu địu con trên lưng theo sau gieo hạt ngô vào luống đất đó. Thỉnh thoảng con trâu khự lại, rồi đi tiếp. Giàng A Khu bảo: “Trâu trên vùng cao nguyên này tài lắm, nó biết tự dừng khi đang cày mà gặp đá. Bởi vậy, cày của người Mông rất ít khi bị gãy”.  Gian nan vậy, nhưng ngô trồng ở những nương đá này lại lên xanh tốt bời bời bởi lớp đất màu được đá giữ lại, không bị rửa trôi. Mỗi hạt ngô lắng đọng cả ý chí bất khuất, sự cần cù, chịu khó của người dân vùng cao Tủa Chùa.

Có lẽ chỉ vùng cao nguyên đá Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Sín Chải này mới có loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho Tủa Chùa, đó là chè cổ thụ. Mùa thu hoạch, người dân phải trèo lên cây hoặc bắc thang mới hái được. Chè cổ thụ có vị ngọt chát, nước đậm và hương vị đặc biệt được kết tinh từ sương sớm, sương chiều quanh năm bao phủ. Với gần 600ha chè, năm 2018 sản lượng chè búp tươi thu hái đạt 70 tấn, chè thương phẩm đạt 11,7 tấn. Ðối với những cây chè cổ thụ, hiện đang được các phòng chức năng tiến hành rà soát, lập đề án công nhận quần thể cây di sản.

Dưới chân đồi chè cổ thụ, chợ phiên Tả Sìn Thàng mỗi tuần họp một lần, hay chợ phiên Xá Nhè, xã Xá Nhè họp vào ngày con gà và ngày con mèo (ngày dậu và ngày mão) bày la liệt những sản vật địa phương, rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Ðối với người dân vùng cao Tủa Chùa, chợ phiên không chỉ là nơi để trao đổi mua bán mà còn là dịp họ vui chơi, giao lưu; thanh niên nam nữ tìm bạn lứa đôi, kết duyên. Người đi chợ cũng không hấp tấp, vội vàng như ở vùng đồng bằng.

Xuôi về các xã phía Nam của huyện khi chính vụ, những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt từ thung lũng đến sườn non. Nếu như ngày xưa nắng bụi mưa lầy, thì ngày nay xe cộ cứ thế mà bon bon trên con đường phẳng phiu, rộng rãi từ Tủa Thàng đến tận bản Huổi Lóng, xã Huổi Só. Con đường phục vụ Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La này đã mang đến sự đổi thay cả về cơ sở hạ tầng đến tiện nghi sinh hoạt cho bà con các thôn, bản trong khu vực. Những cánh đồng lúa xanh tốt của Mường Báng, Mường Ðun, Tà Là Cáo, Tả Sìn Thàng với hệ thống thủy lợi, mương phai tưới tiêu nước đã góp phần nâng sản lượng lương thực, mang lại cuộc sống no ấm hơn cho người dân nơi này.

Tủa Chùa giờ đây không còn cảnh người dân phải đi bộ, vận chuyển hàng hóa, nông sản bằng ngựa thồ. Cuộc sống của người dân hôm nay không còn tự cung tự cấp mà đã thay đổi. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 53%; an ninh lương thực được đảm bảo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Từ chỗ chỉ có đoạn đường ô tô duy nhất dài trên 30km nối Huổi Lóng vào trung tâm huyện, thì bây giờ toàn huyện đã có 172km đường nhựa, 89km đường bê tông, 149km đường cấp phối. Tủa Chùa cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ vào năm 2000, phổ cập giáo dục THCS năm 2008; các thôn, bản đều có lớp học mầm non và tiểu học.

Có được thành quả đó là nhờ sự quan tâm đầu tư của Ðảng và Nhà nước, cộng với ý chí kiên cường của các tầng lớp nhân dân trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Tủa Chùa đã chuyển mình, làm nên những điều kỳ diệu. Ðó chính là nội lực để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tủa Chùa xây dựng cuộc sống giàu đẹp.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top