Ðảm bảo môi trường sống cho người dân nông thôn

13:36 - Thứ Sáu, 04/01/2019 Lượt xem: 10461 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 - 2020, là chủ trương lớn nhằm nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; đồng thời hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS). Từ đó từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo môi trường sống cho người dân nông thôn. 

 

Nhờ được tuyên truyền, hỗ trợ, gia đình ông Lò Văn Tiển, bản Bó Mạy, xã Ẳng Nưa xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy chuẩn.

Năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) đã tổ chức, tuyên truyền, khảo sát vệ sinh môi trường, cá nhân tại 23 xã/9 huyện thị trong tỉnh. Trong đó, 10 xã thực hiện Chương trình Vệ sinh toàn xã năm 2018 được tuyên truyền vận động xây dựng, sử dụng nhà tiêu cải thiện và được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch. Ðó là các xã: Chà Nưa (Nậm Pồ), Sín Thầu (Mường Nhé), Quài Nưa, Quài Cang (Tuần Giáo), Ẳng Nưa (Mường Ảng), Mường Luân (Ðiện Biên Ðông), Noong Luống, Thanh An, Thanh Nưa (Ðiện Biên), Lay Nưa (thị xã Mường Lay); các xã còn lại là thực khảo sát, giám sát, đánh giá và thúc đẩy.

Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn tổ chức ngày hội vệ sinh toàn xã đối với các xã thực hiện chương trình. Trong ngày hội, người dân được trổ tài dưới hình thức thi vẽ tranh về vệ sinh môi trường. Hoạt động đã có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong nông thôn.

Ðể tạo thuận lợi cho người dân trong công tác sử dụng thiết bị vệ sinh, Trung tâm vận động các chủ cửa hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng tại các xã triển khai chương trình trở thành cửa hàng tiện ích và cộng tác viên; nhân viên của họ được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu, lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng để xây dựng và phát triển thành hệ thống cửa hàng tiện ích. Cán bộ, chính quyền, tổ chức đoàn thể tham gia chương trình tại địa phương và những người có uy tín tại thôn, bản của 10 xã triển khai chương trình được tuyên truyền tầm quan trọng của vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại nông thôn; từ đó đưa ra những hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân nông thôn; đưa chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu HVS, số thôn bản đạt cộng đồng chấm dứt phóng uế bừa bãi (ODF) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới của địa phương…

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, năm 2018 toàn tỉnh có 713 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu HVS. Ðến nay, 70% hộ gia đình tại 10 xã triển khai Chương trình Vệ sinh toàn xã có nhà tiêu cải thiện; trên 80% hộ gia đình tại 10 xã triển khai có điểm rửa tay cố định, có xà phòng (hoặc sản phẩm thay thế xà phòng) để rửa tay.

Gia đình chị Lò Thị Lả, bản Mới, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, là một trong 50 hộ trong xã được hỗ trợ xây nhà tiêu HVS. Chị Lả cho biết: “Trước đây gia đình tôi sử dụng nhà vệ sinh theo kiểu hai ngăn đổ tro, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm không khí và bất tiện, thậm chí ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh. Từ khi được tuyên truyền về nhà vệ sinh tự hoại, tôi đã tiến hành xây dựng nhà vệ sinh theo chuẩn, đảm bảo sạch sẽ và thuận tiện. Ngoài ra, gia đình tôi và các hộ trong bản còn được cán bộ xã, nhân viên y tế tuyên truyền, phổ biến cách sử dụng, bảo quản nhà tiêu HVS, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa”.

Ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, cho biết: Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường và duy trì tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thời gian tới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ẳng Nưa tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Có như vậy, việc thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng nước sạch và nhà tiêu HVS mới mang lại hiệu quả; góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top