Ðào tạo nghề góp phần xóa đói giảm nghèo

09:16 - Thứ Tư, 09/01/2019 Lượt xem: 10443 In bài viết

ĐBP - Ðể xóa đói giảm nghèo bền vững, cùng với việc hỗ trợ cây, con giống, tư liệu sản xuất thì đào tạo nghề, nâng cao kỹ thuật thâm canh cây trồng, chăm sóc vật nuôi cho người dân là hết sức quan trọng. Ðịa bàn huyện Ðiện Biên cũng không ngoại lệ, mặc dù tiếp giáp thành phố nhưng vẫn còn nhiều thôn, bản tồn tại phương thức sản xuất lạc hậu, trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu phó mặc cho trời.

 

Anh Lường Văn Chính, bản Co Ké, xã Thanh Nưa kiểm tra vườn ổi trồng sau khi tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn thâm canh cây ăn quả.

Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: “Với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các bản trong xã vẫn còn canh tác lạc hậu. Lúa, ngô xuống giống rồi chờ ngày thu hoạch, hiếm có hộ nào chăm sóc theo đúng kỹ thuật; vật nuôi cũng vậy, ít được chăm sóc nên chậm lớn, giá trị kinh tế thấp”. Năm 2018, xã Pa Thơm mở 6 lớp tập huấn, đào tạo nghề, chủ yếu là chăn nuôi lợn, gà và trồng lúa nước, phân đều về 6/6 bản của xã để người dân được học hỏi, nâng cao kiến thức, tiếp cận phương thức sản xuất mới. Sau những lớp tập huấn, đào tạo nghề, nhiều hộ gia đình đã biết phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, quan tâm hơn đến việc chăm bón ngô, lúa, đầu tư thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ông Lò Văn Liên cho biết thêm: “Việc mở những lớp dạy nghề trên địa bàn là rất cần thiết, nhằm nâng cao sản lượng, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Chúng tôi chưa dám nghĩ đến các mô hình chăn nuôi lớn xuất ra thị trường mà chỉ cần để người dân đủ tự cung tự cấp, phục vụ nhu cầu gia đình, thừa thì bán kiếm thêm thu nhập là đã góp phần xóa đói giảm nghèo rồi”.

Năm 2018, công tác đào tạo nghề được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên quan tâm triển khai từ những ngày đầu năm, cụ thể: xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân tỉnh (Hội Nông dân tỉnh), Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên và UBND các xã tổ chức tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động. Kết quả, trong năm đã đào tạo nghề cho 1.007 học viên, trong đó mở 19 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 665 học viên, chủ yếu là nghề nông nghiệp: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, thâm canh cây ăn quả... cho một số xã có nhu cầu (Thanh Nưa, Thanh Luông, Núa Ngam, Thanh Yên, Nà Nhạn…). Ðồng thời, chuyển giao công nghệ kỹ thuật chăn nuôi, trồng ngô, lúa, cây ăn quả, nuôi thủy sản cho trên 6.287 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn ngày càng cao. Qua đó, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. Năm 2018, huyện Ðiện Biên còn 4.656 hộ nghèo, chiếm 16,11%, giảm 1.325 hộ so với năm trước.

Năm 2018, bản Co Ké, xã Thanh Nưa có 25 người tham gia lớp dạy nghề sơ cấp thâm canh cây ăn quả được tổ chức tại bản, kéo dài 3 tháng (từ tháng 4 - 7). Nội dung học tập trung vào kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây bưởi, xoài, cam, nhãn và thực hành trồng ổi. Trưởng bản Quàng Văn Thành, cũng là người tham gia lớp học cho biết: Các thông tin, kiến thức trong khóa học rất bổ ích cho người dân trong bản; giúp chúng tôi biết chiết, ghép cành, lai giống, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả đúng cách. Trong bản từ trước đến nay chưa có hộ nào phát triển mô hình trồng cây ăn quả, lớp học giúp cho nhiều người nghĩ đến hướng đi này. Bắt đầu từ việc cải tạo vườn nhãn đã già cỗi, năng suất kém, trên 10 hộ sau khi kết thúc khóa học đã mạnh dạn đốn cành, ghép giống nhãn ngon để thay đổi vườn cây. Mô hình trồng ổi thực hành với hơn 100 cây được thực hiện trên lô đất ruộng 1 vụ luôn thiếu nước sản xuất của gia đình anh chị Lường Văn Chính - Vì Thị Lan cũng sinh trưởng, phát triển tốt, đang cho ra bói những trái ổi đầu tiên khiến bà con trong bản càng thêm tin tưởng.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top