Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Mường Ảng

Ðặt quyền lợi người thụ hưởng lên hàng đầu

09:10 - Thứ Năm, 10/01/2019 Lượt xem: 11390 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a, Chương trình 135; nhiều địa phương trên địa bàn huyện Mường Ảng đã triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án hỗ trợ trâu, bò sinh sản; máy móc thiết bị, chế biến cho sản xuất nông nghiệp giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương triển khai các dự án chậm, có nhiều vướng mắc, dẫn đến hiệu quả giảm nghèo chưa cao.

 

Con bê của gia đình ông Lường Văn Toản, bản Co Pháy, xã Mường Ðăng được cung ứng từ ngoài vào (từ tháng 10/2018).

Xuân Lao - một trong những xã thực hiện tốt việc hỗ trợ giống vật nuôi cho người dân. Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ðể thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đặc biệt là hỗ trợ con giống, máy công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; ngoài việc cho bà con đăng ký theo nguyện vọng (nhận máy móc hay cây, con giống), xã chủ động để người dân tự mua con giống (luân chuyển tại địa bàn). Với giá tự thỏa thuận theo định mức hỗ trợ năm 2018 (hộ nghèo 12 triệu đồng, cận nghèo 10 triệu đồng và hộ mới thoát nghèo 8 triệu đồng) nhiều hộ có thể mua bò theo ý muốn, hoặc thêm tiền (từ 1 - 3 triệu đồng) để mua con bò to hơn hoặc mua cả cặp mẹ con. Nhằm tránh tình trạng đối tượng được thụ hưởng mượn bò của người khác để nhận tiền hỗ trợ, xã yêu cầu các hộ mua bán phải có biên bản, xác nhận của chính quyền địa phương (bản, UBND xã) để làm căn cứ. Từ đó, cán bộ xã nghiệm thu và thanh toán tiền cho các hộ được thụ hưởng; mọi thủ tục giấy tờ ký xác nhận, đóng dấu đều được miễn phí cho người dân... Trong 2 năm (2017 - 2018) từ nguồn vốn Nghị quyết 30a, xã đã hỗ trợ 93 con bò cho 93 hộ nghèo, cận nghèo (100% luân chuyển tại địa bàn; năm 2017 là 57 con; năm 2018 là 36 con).

Anh Quàng Văn Chung, bản Phiêng Lao, xã Xuân Lao - một trong những hộ nghèo được nhận bò cho biết: Tháng 9/2018, gia đình tôi được hỗ trợ 12 triệu đồng. Chủ trương của xã là các hộ tự luân chuyển giống tại địa phương, tôi đã lên các bản vùng cao để tìm mua bò. Với số tiền được hỗ trợ 12 triệu đồng, gia đình tôi vay mượn người thân thêm 1 triệu đồng để mua 1 con bò đang chửa, sau hơn 3 tháng con bò đã sinh được 1 bê con khỏe mạnh...

Tại xã Mường Lạn, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a, 135, xã đã hỗ trợ 77 con bò cho 77 hộ. Trong đó, có 59 con luân chuyển tại địa bàn; 18 con cung ứng từ ngoài vào do Doanh nghiệp Thương mại Tư nhân Ngọc Sơn. Nhưng khi bàn giao, con giống không đảm bảo nên xã đã trả lại đơn vị cung ứng và chọn đơn vị cung ứng khác. Ông Lò Văn Sớn, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết: Tháng 9/2017, trên địa bàn xã đã luân chuyển 32 con bò cho 32 hộ; đến nay, qua kiểm tra đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, không bị dịch bệnh; 8 con sinh sản lứa đầu tiên...

Tại xã Mường Ðăng, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018, xã hỗ trợ 47 con trâu, bò cho 47 hộ (36 hộ nhận trâu, 10 hộ nhận bò, 13 hộ cung ứng từ ngoài vào, 34 hộ luân chuyển tại địa bàn). Ông Lường Văn Toản, người dân bản Co Pháy, xã Mường Ðăng cho biết: Nhờ Ðảng, Nhà nước quan tâm nên những hộ nghèo như chúng tôi được hỗ trợ trâu, bò để nuôi với cam kết thoát nghèo, theo định mức 12 triệu đồng/hộ nghèo. Gia đình tôi chọn bê. Do tháng 10/2018, gia đình ra xã nhận bò nhưng thấy con bò quá bé so với mức hỗ trợ 12 triệu đồng. Theo khảo sát trên thị trường hiện nay, con bê chỉ khoảng từ 7 - 8 triệu đồng. Với con bê này, gia đình tôi phải nuôi tầm 2 năm nữa mới có thể sinh sản lứa đầu tiên. Tuy nhiên, trong bản, có gia đình nhà anh Lường Văn Sách là hộ nghèo, tháng 10/2017 được hỗ trợ 10 triều đồng, anh Sách đã bỏ thêm 3 triệu đồng để mua 1 con bò trị giá 13 triệu đồng, sau 1 năm con bò đã sinh được 1 con bê.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Việc cung ứng con giống từ bên ngoài vào sẽ tăng tổng đàn gia súc của huyện; nhưng kéo theo đó là nguy cơ dịch bệnh cao, mặc dù đã được kiểm dịch và tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, con giống cung ứng từ ngoài vào sẽ phải chịu thêm các chi phí như: Phí vận chuyển, tiêm phòng dịch... nên huyện khuyến khích người dân mua con giống tại địa bàn để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh và tiết kiệm chi phí vận chuyển...

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Ảng, tính riêng chương trình hỗ trợ giống vật nuôi (trâu, bò) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia từ năm 2016 - 2018, toàn huyện đã hỗ trợ 1.338 con trâu, bò sinh sản cho 1.338 hộ (hộ nghèo 1.197, cận nghèo 86, mới thoát nghèo 46). Trong đó, luân chuyển tại địa bàn là 420 con; cung ứng từ ngoài vào 918 con. Như vậy, việc người dân tự luân chuyển tại địa bàn rất thấp, chỉ chiếm 31% tổng số trâu, bò hỗ trợ trong 3 năm. Lý giải vấn đề này, một số xã cho rằng việc cung ứng con giống từ ngoài vào phần vì lo để nhân dân tự liên hệ sẽ xảy ra tình trạng mượn trâu, bò của hộ khác để lấy tiền hỗ trợ; ngoài ra một số địa phương lại cho rằng nguồn con giống tại địa bàn không đủ nên người dân đăng ký nhận cung ứng con giống từ ngoài…

Việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, nhằm hỗ trợ nhân dân có tư liệu sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo. Ðể các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đặc biệt là, chương trình hỗ trợ trâu, bò sinh sản được thực hiện hiệu quả, quyền lợi của đối tượng thụ hưởng phải được đặt lên hàng đầu. Xã Xuân Lao đã thực hiện rất hiệu quả mô hình luân chuyển gia súc sinh sản trong địa bàn. Cùng với đó, một số hộ của Mường Ðăng cũng có những minh chứng cụ thể cho cách làm hiệu quả từ luân chuyển trong địa bàn. Vậy vì sao, dù đã có ý kiến của lãnh đạo huyện mà mô hình này vẫn chưa được triển khai phổ biến, rộng rãi ở Mường Ảng? Ngoài những thuận lợi, khó khăn đã được đề cập, liệu có còn một lý do nào khác về quyền lợi ngoài nhân dân cho vấn đề này hay không? Nếu không, có lẽ, việc khuyến khích người dân tự luân chuyển con giống tại địa bàn; từ đó rút ngắn thời gian thoát nghèo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chăm sóc, chăn nuôi trâu, bò của các hộ được thụ hưởng... cần được quan tâm triển khai, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành trong thời gian tới.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top