Vụ khai thác gỗ rừng trái phép ở Nà Pen

Bộc lộ những yếu kém trong quản lý, bảo vệ rừng

10:17 - Thứ Năm, 17/01/2019 Lượt xem: 10750 In bài viết

ĐBP - Mới đây, hàng chục cây gỗ trong rừng già Nà Pen (xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên) bị người dân khai thác trái phép làm nhà. Cũng may là lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương đã phát hiện, ngăn chặn tình trạng phá rừng trên, nên chưa gây thiệt hại lớn. Song qua vụ việc này đã để lại bài học lớn về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các cộng đồng thôn, bản.

 

Cán bộ kiểm lâm đo đạc, kiểm đếm hiện trường các vị trí rừng Nà Pen bị khai thác trái phép.

Sau gần 1 giờ cùng đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh vượt qua hơn 20km đường đất dốc ngược, trơn trượt, chúng tôi đặt chân tới rừng Nà Pen - nơi người dân khai thác gỗ trái phép. Song để đến điểm phá rừng đầu tiên, vẫn phải luồn lách theo đường mòn gần 1km nữa. Tại hiện trường, một cây vối thuốc (gỗ thuộc nhóm VI) có đường kính gốc 33cm, đường kính ngọn 25cm, dài gần 20m bị đốn hạ bằng cưa máy. Phần thân đã bị người dân xẻ lấy gỗ còn lại phần bìa bạnh, gốc và ngọn vẫn còn tươi nguyên, chảy nhựa... Tiếp tục đi sâu vào rừng, có thêm nhiều cây vối thuốc, dẻ, xoan rừng bị chặt hạ bằng cưa máy hoặc bằng rìu. Kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện tổng số có 22 cây gỗ thuộc các nhóm: III, V, VI có đường kính gốc từ 20 - 55cm tại các lô: 2, 3, 7, 39, 44, khoảnh 7, tiểu khu 696 bị đốn hạ. Thời gian khai thác được xác định khoảng cuối tháng 12/2018. Một số cây đã bị xẻ hộp, vận chuyển ra khỏi rừng; số khác đã xẻ hộp nhưng chưa kịp chuyển đi còn lại là nhiều cây gỗ tròn chưa kịp “pha”. Khối lượng gỗ khai thác còn lại tại hiện trường ước tính khoảng hơn 7m3, gồm: 23 lóng gỗ tròn, khối lượng 6,478m3 và 6 hộp gỗ xẻ, khối lượng 0,565m3.

Kiểm tra hiện trường, lực lượng kiểm lâm bước đầu xác định rừng bị khai thác bởi nhiều đối tượng và bằng nhiều thiết bị khác nhau: Cưa máy, rìu, dao rựa. Ðể tránh bị phát hiện, các đối tượng không khai thác tập trung mà chặt cây ở nhiều vị trí cách nhau bán kính khoảng 20 - 30m.

Sau khi phát hiện vụ việc, quá trình đấu tranh ban đầu đã có 1 đối tượng thú nhận hành vi khai thác rừng trái phép. Ðó là anh Vàng A Của (sinh năm 1970), ở bản Nà Pen 3, xã Nà Nhạn. Anh Của khai nhận đã tự tay hạ 2 cây vối thuốc. Thời điểm kiểm tra, gỗ đã được xẻ chuyển về nhà, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường khoảng 1,114m3. Anh Vàng A Của cho biết: “Do đang làm nhà để tách hộ cho con bị thiếu gỗ nên tôi đã lên rừng chặt 2 cây gỗ. Tôi không thông qua bản, không viết đơn xin UBND xã. Sau khi lực lượng kiểm lâm phát hiện, ngăn chặn, tôi nhận ra mình đã sai”.

Khu rừng già Nà Pen rộng khoảng 1.300ha, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, được giao cho cộng đồng 4 bản: Nà Pen 1, 2, 3 và 4 quản lý bảo vệ và hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi được giao quản lý, bảo vệ, 4 bản trên đã thành lập 4 tổ bảo vệ rừng của bản (mỗi tổ có 6 - 8 thành viên). 100% hộ dân đều tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách phát triển lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; phòng cháy chữa cháy rừng. Hàng năm, 100% hộ dân đều ký cam kết không phá rừng với UBND xã Nà Nhạn. Tuy nhiên, qua vụ việc này đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng 4 bản Nà Pen; việc thành lập tổ bảo vệ, ký cam kết mang tính hình thức. Các cây gỗ bị chặt hạ trái phép chỉ cách bãi khai hoang ruộng bậc thang của người dân khoảng 1km; cách khu vực dân cư khoảng 2km nên có thể nghe tiếng cưa máy vọng ra. Bằng chứng là đứng ở vị trí rừng bị phá chúng tôi vẫn nghe rõ được tiếng máy cày, tiếng người giục trâu, bò cày ruộng khai hoang. Chẳng lẽ người dân lại không nghe tiếng máy cưa, máy xẻ khi những cây gỗ bị khai thác?

Trao đổi về hoạt động tổ bảo vệ rừng của bản, ông Vàng A Tống, Trưởng bản Nà Pen 3 cho biết: Sau khi được giao quản lý, bảo vệ khu rừng Nà Pen, bản đã thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng với 7 thành viên, chia thành 2 nhóm, luân phiên nhau đi tuần tra, bảo vệ rừng. Mùa khô hanh, tổ chức đi tuần tra từ 3 - 4 lần/tháng. Tuy nhiên, tổ bảo vệ chủ yếu đi tuần tra tại những khu vực rừng đầu nguồn các nguồn nước sinh hoạt, thủy lợi của bản, còn các khu vực khác thì ít đến. Riêng khu vực rừng bị khai thác trái phép thì 2 - 3 tháng nay, tổ bảo vệ rừng chưa tuần tra qua đây nên không phát hiện vi phạm.

Về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã, ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn cho biết: Những năm qua, UBND xã Nà Nhạn luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngay từ đầu năm, UBND xã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng: Trưởng bản  cam kết với Chủ tịch UBND xã; Chủ tịch UBND xã cam kết với Chủ tịch UBND huyện và người dân ký cam kết với Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên. Nhưng đáng buồn thay, năm nay vừa mới tổ chức ký cam kết chưa đầy 1 tháng thì người dân 4 bản: Nà Pen 1, 2, 3, 4 đã khai thác rừng trái phép. Ðiều đó chứng tỏ, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng chưa cao. Sau vụ việc này, UBND xã sẽ phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên điều tra, truy tìm đối tượng và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ðồng thời, UBND xã sẽ tổ chức kiểm điểm từng tập thể, cá nhân liên quan; tổ chức rà soát và thắt chặt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, tránh lặp lại việc đáng tiếc như ở Nà Pen.

Vẫn biết rằng, người dân vùng cao, nhất là dân cư gần rừng thì có nhu cầu khai thác gỗ để làm nhà, làm chuồng trại chăn nuôi. Tuy nhiên, khi có nhu cầu khai thác thì người dân phải làm đơn xin xác nhận của cộng đồng thôn, bản và gửi đến cấp có thẩm quyền xin ý kiến. Nếu được cho phép thì việc khai thác phải diễn ra trong sự giám sát của kiểm lâm địa bàn, đại diện chủ rừng, với vị trí, số lượng và chủng loại gỗ cụ thể. Như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích người dân vừa đảm bảo quy trình, quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top