Kiểm soát tồn dư thuốc BVTV vì người tiêu dùng

09:27 - Thứ Sáu, 18/01/2019 Lượt xem: 10870 In bài viết

ĐBP - An toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm. Vấn đề ăn gì, mua ở đâu, chất lượng có đảm bảo hay không?... đang là câu hỏi khó đối với những người nội trợ. Bởi bên cạnh nỗi lo thịt bị nhiễm dư lượng chất độc hại; bún, chả có dư lượng hàn the; hoa quả có thuốc bảo quản còn là nỗi lo rau xanh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép. Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng...

 

Cán bộ Chi cục BVTV tỉnh hướng dẫn người dân đội 8, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) đánh giá một số chỉ tiêu về sản xuất rau an toàn giai đoạn đầu vụ. Ảnh: Ðức Linh

Thuốc BVTV là loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, có tác dụng hạn chế sự phá hoại của sâu bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc BVTV không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả xấu như: Tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, gây ảnh hưởng đến môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, mất an toàn thực phẩm. Thực tế thời gian qua, vì lợi ích kinh tế (tăng năng suất, sản lượng cây trồng), nhiều hộ dân đã lạm dụng việc sử dụng thuốc BVTV. Kết quả kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV của người dân trong năm 2018 của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, trong tổng số 2.267 hộ được kiểm tra có đến 296 hộ vi phạm nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV. Trong đó, 41 hộ sử dụng không đúng thuốc, 55 hộ sử dụng không đúng thời điểm, 175 hộ sử dụng không đúng liều lượng và 25 hộ sử dụng không đúng thời gian cách ly. Ðó chỉ là con số nhỏ so với thực tế số người vi phạm nguyên tắc khi sử dụng thuốc BVTV.

Chính việc lạm dụng sử dụng thuốc BVTV của người dân trong trồng trọt đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Chị Lưu Thị Oanh, phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ chia sẻ: Bữa ăn của gia đình tôi ngoài thịt, cá thì không thể thiếu rau, quả. Tuy nhiên để lựa chọn thực phẩm rau, quả sạch là cả một vấn đề bởi rất khó phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau còn dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Nhìn thấy rau, củ, quả non và xanh tươi tôi cũng không dám mua vì sợ có phun thuốc tăng trưởng, còn tồn dư thuốc BVTV. Vì thế, tôi chỉ tin tưởng mua của những người quen hoặc lựa chọn những rau, củ cằn cỗi, có lá bị sâu ăn càng tốt vì nghĩ như vậy thực phẩm ít có khả năng tồn dư thuốc BVTV. Ðây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người tiêu dùng, nhất là trong quá trình kiểm tra đã có nhiều thực phẩm rau, củ, quả được phát hiện có dư lượng thuốc BVTV và dư lượng nitrat không đảm bảo.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, trong năm 2018, đơn vị đã lấy 1.853 mẫu test đối với sản phẩm rau, củ, quả tươi để test nhanh dư lượng thuốc BVTV và dư lượng nitrat. Trong đó, thực hiện test 994 mẫu rau, củ, quả với dư lượng thuốc BVTV, đã phát hiện 7 mẫu dương tính; test 859 mẫu rau, củ, quả với dư lượng thuốc nitrat, đã phát hiện 21 mẫu nghi ngờ hàm lượng nitrat tồn dư không đảm bảo. Bên cạnh đó, đơn vị đã thực hiện lấy 35 mẫu rau, củ, quả tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh gửi kiểm nghiệm. Kết quả, có 2/35 mẫu không đảm bảo chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, gồm 1 mẫu rau húng quế tại xã Thanh Hưng (vượt ngưỡng dư lượng thuốc trừ sâu gốc carbamate) và 1 mẫu táo Trung Quốc (có hàm lượng hoạt chất difenoconazole vượt ngưỡng và hàm lượng hoạt chất carbendazim nằm ngoài danh mục).

Ðể thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm rau, củ, quả nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng thuốc BVTV của người dân, tránh tình trạng lạm dụng thuốc và vi phạm các nguyên tắc khi sử dụng. Ðồng thời, siết chặt quản lý thị trường thuốc BVTV thông qua các cuộc kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV không đảm bảo quy định; triển khai cho các cơ sở buôn bán thuốc BVTV ký cam kết không bán thuốc nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ðồng thời, tập trung quản lý tốt việc sử dụng thuốc BVTV trên rau màu, nhất là ở khu vực các xã lòng chảo của huyện Ðiện Biên như: Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt, Thanh Luông, Thanh Yên...

Một trong những biện pháp quan trọng khác được tỉnh chú trọng triển khai là việc tuyên truyền, hỗ trợ hộ nông dân tham gia chương trình sản xuất rau an toàn theo hướng Gap cơ bản. Ðến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 3 mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Thanh Xương, Noong Luống (huyện Ðiện Biên) và xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) với tổng diện tích 5,6ha. Bên cạnh các biện pháp trên, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm rau, củ, quả nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục duy trì phát triển và xây dựng mới các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn (hiện toàn tỉnh đã có 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy xác nhận). Từ đó, hạn chế được nguồn thực phẩm có tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top