Mường Chà đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ hủ tục

09:47 - Thứ Tư, 23/01/2019 Lượt xem: 9851 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Chà có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông (chiếm gần 70%), Thái (15,3%), Khơ Mú (6%), Kinh (5,2%), còn lại là các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những nét đẹp truyền thống, nét văn hóa độc đáo riêng cần lưu giữ, phát huy; song cũng còn nhiều hủ tục trong sinh hoạt, lao động sản xuất, tạo rào cản với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nỗ lực xóa bỏ các hủ tục, huyện Mường Chà đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, từng bước xây dựng cuộc sống tiến bộ, văn minh.

 

Cán bộ dân số xã Na Sang tuyên truyền, vận động người dân trong xã không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên.

Là dân tộc chiếm tỷ lệ cao nhất trên địa bàn huyện Mường Chà với gần 70%, song do trình độ nhận thức chưa đồng đều nên người Mông nơi đây còn nhiều hủ tục. Cụ thể như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, em trai kế phải lấy chị dâu nếu người anh không may qua đời; để người chết lâu ngày trong nhà (từ 3 - 5 ngày trong khi quy định của Nhà nước là không để quá 48 giờ), khi có người chết thường tổ chức ma chay linh đình gây tốn kém, lãng phí. Ðặc biệt, khi người thân bị ốm đau thường tổ chức cúng bái, trừ tà ma mà không đưa ngay tới các cơ sở y tế để khám, chữa kịp thời; một số người dân còn nghe theo sự tuyên truyền, lôi kéo của tà đạo (gỡ bỏ bàn thờ tổ tiên...), gây mất đoàn kết, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ; làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc Thái, Xạ Phang, Khơ Mú, Kháng cũng tồn tại một số hủ tục: Thách cưới cao (thường thách cưới bằng bạc trắng hoặc trâu, bò, tiền mặt có giá trị cao gây nhiều khó khăn cho hộ nghèo có con muốn xây dựng gia đình); tình trạng sinh nhiều con; buộc, nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn gây mất vệ sinh, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm... Những hủ tục trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc trên địa bàn, là nguyên nhân khiến nhiều hộ rơi vào đói nghèo.

Xác định, để từng bước xóa bỏ các hủ tục, vấn đề cốt lõi là phải nâng cao được nhận thức cho người dân, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Mường Chà đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp bà con dân tộc thay đổi tư duy, thói quen sinh hoạt. Ông Mùa A Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Do hủ tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân qua nhiều thế hệ nên để thay đổi đòi hỏi phải có sự kiên trì trong công tác vận động, thuyết phục. Vì vậy, Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng, triển khai thực hiện chương trình chuyên đề phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng quy ước và thực hiện xóa bỏ hủ tục. Với phương châm “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cùng với chính quyền các xã đã tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là vấn đề dân tộc và tôn giáo; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc; những cản trở, tác hại của các hủ tục. Hình thức tuyên truyền được huyện thực hiện hết sức đa dạng, phong phú, phù hợp với phong tục của các đồng bào dân tộc, như: Tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ cán bộ cơ sở; qua đội thông tin lưu động, hệ thống loa phát thanh của huyện, xã; cấp phát tài liệu, tờ rơi, băng, đĩa bằng tiếng dân tộc; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi... Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư cũng được huyện chú trọng phát huy nhằm tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thay đổi thói quen, từng bước xóa bỏ các hủ tục.

Nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bài trừ những hủ tục, tại các thôn, bản còn xây dựng quy ước, trong đó có nội dung về thực hiện nếp sống văn minh ở thôn, bản. Ðến nay, 124/124 thôn, bản trên địa bàn huyện đều đã xây dựng được quy ước. Ðặc biệt, việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục trong đồng bào dân tộc còn được gắn với việc triển khai thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, bản, làng văn hóa. Năm 2018, toàn huyện có 54 bản, tổ dân phố được công nhận bản, tổ dân phố văn hóa; 106 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và 4.451 hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Bằng sự chung sức đồng lòng của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Mường Chà; việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục trên địa bàn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của bà con dân tộc từng bước được nâng cao, người dân đã biết đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh; không để người chết trong nhà quá lâu; việc tổ chức cưới xin, ma chay, lễ hội được thực hiện theo nếp sống mới, văn minh, tiết kiệm; tình trạng tảo hôn, thách cưới cao không còn phổ biến như trước kia... Nhờ sự tiến bộ, đổi thay trong việc xóa bỏ các hủ tục đã giúp cuộc sống của người dân huyện Mường Chà từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top