Người Kháng bên dòng Nậm Mỳ

10:24 - Thứ Tư, 23/01/2019 Lượt xem: 9338 In bài viết

ĐBP - Như một cơ duyên, những ngày cuối năm chúng tôi lại có dịp về với bà con người Kháng, bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé). Trở lại lần này, ấn tượng về một cuộc sống lam lũ trong nghèo khó dưới những mái nhà lụp xụp thưa thớt đã lùi vào dĩ vãng. Bằng ý chí và khát khao dựng xây, bản người Kháng ở Quảng Lâm đang khoác lên diện mạo mới về cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy hơn.

 

Người Kháng bản Quảng Lâm xây dựng mô hình VAC, phát triển kinh tế gia đình.

Ngược ngàn hơn 40km từ trung tâm huyện Mường Nhé về với bà con bản Quảng Lâm. Khi sương sớm vẫn còn vương trên tán lá, chúng tôi cùng Trưởng bản Vàng Văn Hiền, tìm tới nhà cụ Lò Văn Tơi. Ngôi nhà sàn nhỏ, nằm phía dưới thung lũng. Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, tóc bạc trắng nhưng trí nhớ cụ Tơi còn rất minh mẫn. Lần giở lại câu chuyện của mấy mươi năm về trước, cụ Lò Văn Tơi kể cho chúng tôi nghe chuyện vượt lên gian khó của người Kháng nơi đây. Cụ bảo: Ðã rất lâu rồi, từ khi cụ chưa sinh ra thì cộng đồng người Kháng đã về sinh sống và định cư hòa thuận bên dòng Nậm Mỳ. Vào khoảng năm 1945, bản chưa đầy 10 nóc nhà, vài chục nhân khẩu. Cuộc sống của người dân chỉ dựa vào thiên nhiên là chính. Sản xuất manh mún, chủ yếu theo kinh nghiệm và truyền thống canh tác bao đời truyền lại nên cuộc sống đã khó lại càng khó hơn. Ðặc biệt, cái đói về “con chữ” khiến cuộc sống của bà con cứ mãi trong vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu.

Nhấp ngụm trà, tiếp lời cụ Lò Văn Tơi, Trưởng bản Vàng Văn Hiền phấn khởi khoe với chúng tôi về những thành tựu mang tính trọng đại đối với cộng đồng người Kháng ở Quảng Lâm. Anh Hiền bảo: Ơn Ðảng, Nhà nước đã làm đường, đưa điện về bản, hỗ trợ người nghèo có tư liệu sản xuất... nên cuộc sống của bà con nay khác nhiều rồi. Nếu như trước đây, để phát triển sản xuất nông nghiệp, bà con phải chắt chiu từng giọt nước cho đồng ruộng thì nay đã có công trình thủy lợi, kênh mương kiên cố đưa nước về tưới 2 vụ lúa mỗi năm, bà con quen dần với tập quán cấy lúa nước, trồng ngô và biết trồng rau nên cuộc sống không còn thiếu trước, hụt sau, thóc gạo đầy bồ. Bản Quảng Lâm hiện có 78ha đất sản xuất nông nghiệp; bình quân lương thực đạt 430kg/người/năm.

Không chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa, tận dụng vùng đồi núi, nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, người Kháng đã biết dựng chuồng trại chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt. Ðặc biệt, bà con biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tăng đàn vật nuôi; phòng, chống dịch bệnh, mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Anh Lò Văn Nhất - hộ điển hình trong phát triển kinh tế chia sẻ: Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn nên tôi chỉ nuôi gia súc, gia cầm làm sức kéo sản xuất nông nghiệp và phục vụ gia đình. Những năm gần đây, nhận thấy nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại mua trâu, bò giống về nuôi. Nhờ kinh nghiệm cộng với tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, không dịch bệnh. Gia đình anh Nhất hiện nuôi 30 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm các loại; trồng gần 1.500m2 lúa nước. Mỗi năm thu từ 60 - 70 triệu đồng. Thời gian tới anh Nhất dự định mở thêm trang trại, tăng đàn gia súc, gia cầm.

Với những nỗ lực và khát khao dựng xây cuộc sống mới, cả bản chỉ còn 19 hộ nghèo/88 hộ; số hộ khá giả chiếm hơn 30%; trên 90% hộ mua sắm được ti vi, xe máy… Những con số đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự “thay da, đổi thịt” của mảnh đất và con người nơi đây. Ðặc biệt, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, vì thế bà con quan tâm hơn tới việc học hành của con em mình. Hiện nay, 100% trẻ em người Kháng được học tập, rèn luyện trong trường lớp khang trang, kiên cố, trang thiết bị dạy học đầy đủ. Cùng với đó, để gìn giữ bản sắc dân tộc, trong các buổi sinh hoạt bản, già làng truyền dạy cho các thế hệ con cháu những bài hát, điệu múa truyền thống đang dần bị mai một... góp phần nâng cao đời sống tinh thần người Kháng.

Với suy nghĩ và cách làm như thời gian qua, người Kháng nơi đây sẽ là “điểm tựa” vững chắc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đưa xã Quảng Lâm thoát đói giảm nghèo. 

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top