40 năm đồng hành cùng nghề báo

09:27 - Thứ Năm, 24/01/2019 Lượt xem: 9324 In bài viết

ĐBP - Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bản thân tôi lúc đó đang là công nhân kỹ thuật cơ điện thuộc Công ty Thủy nông huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam) cũng vinh dự được tham gia nhập ngũ. Người anh cả của tôi lúc đó là bộ đội chống Mỹ, sau gần 10 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam đã được phục viên cũng cùng tái ngũ với tôi một ngày (19/8/1978). Hai anh em mỗi người được biên chế về một đơn vị. Tôi được biên chế về C15 pháo DKZ thuộc Ebb193, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu. Sau 1 tháng huấn luyện tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, tôi được chuyển về Ban Chính trị làm công tác tuyên truyền, văn hóa văn nghệ của Trung đoàn, đây cũng là nơi tôi công tác cho đến khi chuyển ngành vào cuối tháng 12/1982.

Trong thời gian ở Ban Chính trị Trung đoàn, với nhiệm vụ được giao, ngoài việc sáng tác nhạc và trực tiếp làm nhạc công (chơi đàn Accoodeon và ghi ta) cho Ðội Tuyên văn của Trung đoàn tôi còn phải thực hiện nhiệm vụ tổng hợp tin thời sự phát trên sóng radio (nhất là bản tin đọc chậm) và trên báo để phục vụ thông tin cho chỉ huy các cấp và tuyên truyền trực tiếp tại các đơn vị thuộc Trung đoàn. Quá trình này giúp tôi có điều kiện để đúc rút kinh nghiệm trong việc hình thành một bản tin, hay một bài viết cho báo, đài. Bắt đầu từ tin phản ánh hoạt động huấn luyện, tăng gia sản xuất, phục vụ chiến đấu đến những tin, bài viết về các gương chiến đấu của các tập thể, cá nhân trong đơn vị được in trên báo Lai Châu và phát trên Ðài Phát thanh Lai Châu khi đó.

Dấu ấn sâu sắc nhất đó là bài viết “Phía trước chúng ta là kẻ thù xâm lược” phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong thế trận chung của cả nước chống quân bành trướng xâm lược. Tiếp đó đến bài “Dũng sĩ 551” viết về gương chiến đấu của Hạ sĩ tiểu đội trưởng C1, D1, Ebb193 Trần Ðức Trí, người TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Hai bài viết đều được đăng trên báo Quân khu 2 và báo Lai Châu cũng như phát trên sóng Ðài Phát thanh Lai Châu sau 5 - 7 ngày so với thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh ở hướng Pa Tần, huyện Sìn Hồ và hướng Pa So, huyện Phong Thổ. Căng thẳng do chiến sự, bộn bề với công việc, nhưng khi nghe trên sóng về bài viết của mình, tôi thấy phấn chấn vô cùng vì mình không chỉ được đăng tin mà lại có cả bài viết được đăng, phát trên báo chí. Càng vui hơn khi tờ báo đến từ tay người anh trai cả của tôi cùng tham gia chiến đấu tại hướng Pa Tần và Mường So (Phong Thổ). Khi gặp nhau, anh tôi chuyển tờ báo cho tôi, niềm vui càng nhân lên khi tổng kết báo chí năm 1979, tôi được Báo Lai Châu tặng giấy khen về thành tích “Cộng tác viên xuất sắc” kèm theo một cuốn sổ lịch Nhân dân và một chiếc bút Hồng Hà màu kem sữa. Ðài Phát thanh tỉnh tặng giấy khen và một chiếc đài Sông Hồng.

Kỷ niệm giản dị vậy nhưng đã theo tôi suốt hành trình hơn 40 năm đồng hành, lăn lộn, theo nghề. Ðiều đó đã được thể hiện rất rõ với tôi không chỉ trên cương vị là người theo dõi, chỉ đạo báo chí ở Ban Tuyên huấn rồi đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ khi là chuyên viên đến cán bộ quản lý cấp phòng rồi ngay cả khi đã là Tỉnh ủy viên hay Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trưởng ban Tuyên giáo, phụ trách báo chí tôi vẫn là người trực tiếp viết báo như một người làm báo thực thụ. Chính vì điều đó, trong hàng chục năm liên tục, năm nào tôi cũng được Báo Ðiện Biên Phủ và Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ðiện Biên khen thưởng là cộng tác viên xuất sắc, trong đó có nhiều năm được Hội Nhà báo tỉnh Ðiện Biên và Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tặng danh hiệu Hội viên Nhà báo xuất sắc.

Kỷ niệm 40 mùa xuân cuộc đời quân ngũ và công tác, gắn với quãng đường 40 năm theo nghề làm báo của tôi có thể chỉ là giản đơn với nhiều bậc tiền bối trong làng nghề, nhưng riêng tôi vẫn cho đó là quãng đời - nghề đẹp, sâu sắc đáng nhớ nhất của mình. Tin rằng nó sẽ mãi theo và đồng hành cùng tôi đến cuối cuộc đời.

Vân Chương
Bình luận
Back To Top