Những bông hoa đẹp trong vườn hoa dâng Bác

10:30 - Thứ Năm, 24/01/2019 Lượt xem: 10758 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ việc học và làm theo Bác đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, ở mọi lứa tuổi, vùng miền - đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa dâng lên Bác Hồ kính yêu.

“Cây đại thụ” nơi ngã ba biên

Sinh ra và lớn lên nơi cực Tây của Tổ quốc, trải qua nhiều vị trí công tác từ xã đội trưởng, Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Chi bộ xã Sín Thầu (nay là Ðảng bộ xã Sín Thầu); ông Lỳ Xuyến Phù luôn tâm niệm “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”… Do vậy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng và Nhà nước, trở về địa phương, ông tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ bản A Pa Chải.

 

Ông Lỳ Xuyến Phù vận động bà con phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Lỳ Xuyến Phù chia sẻ: Ðể dân tin, dân hiểu và làm theo, mỗi đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu; do vậy ông luôn quan tâm củng cố, xây dựng vững chắc tổ chức đảng cơ sở trong sạch vững mạnh. Trước đây, cuộc sống của người Hà Nhì nơi ngã ba biên quanh năm vất vả, không đủ ăn đủ mặc… Ông Phù kiên nhẫn đi từng nhà để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và gia cảnh của người dân; đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.

Ông tích cực tìm hiểu các mô hình kinh tế có hiệu quả ở các địa phương khác và xem thông tin trên báo, đài để áp dụng vào thực tế địa phương. Ông chính là tuyên truyền viên tích cực nhất trong vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, góp phần giảm hộ nghèo trong bản; thu nhập bình quân được nâng lên 450kg/người/năm; 38/40 hộ đạt gia đình văn hóa; 10 năm liền bản giữ vững danh hiệu bản văn hóa. Ðặc biệt, để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới hiệu quả, ông Lỳ Xuyến Phù tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, tự nguyện đóng góp ngày công lao động làm đường bê tông liên bản… Ðến nay, cơ bản các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, điện lưới, nhà văn hóa đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Từ chỗ là điểm “nóng” về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, ông Lỳ Xuyến Phù vận động, tuyên truyền bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu; luôn sát cánh cùng chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới vùng phên giậu cực Tây Tổ quốc. Hiện nay, bản A Pa Chải không còn người nghiện hút và theo đạo trái pháp luật. Với những cống hiến của mình, ông xứng đáng là “cây đại thụ” nơi ngã ba biên để mỗi người dân học tập và noi theo.

Sầm Phúc

Người thầy đam mê nghiên cứu khoa học

Với thâm niên 14 năm công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, anh Phạm Xuân Cường không chỉ có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Trường mà còn tích cực nghiên cứu khoa học với nhiều sáng kiến, đề tài được các cấp công nhận. Nỗ lực học tập, nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn, đến năm 2015 anh đã có bằng tiến sĩ hóa học và là cán bộ có bằng tiến sĩ trẻ nhất trong tỉnh.

 

Anh Phạm Xuân Cường lắp hệ thống khung phủ nilon phun thuốc trừ sâu thực nghiệm trên cánh đồng bản Khá, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Những năm qua, anh Phạm Xuân Cường đã có 2 đề tài và 1 sáng kiến cấp tỉnh, 1 sáng kiến cấp ngành, 4 đề tài và 3 sáng kiến cấp cơ sở. Trong đó, nổi bật là sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống phun thuốc trừ sâu không gây độc môi trường không khí”. Sáng kiến anh thực hiện cùng Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai (cùng trường) vào năm 2016. Sáng kiến có nhiều ưu điểm: Hệ thống phun thuốc trừ sâu có sử dụng khung phủ nilon chống bay hơi thuốc khi phun nên hạn chế tối đa khả năng bay hơi vào không khí; có khả năng kéo ra xa nên người phun thuốc có thể di chuyển khắp cánh đồng mà không phải đeo bình thuốc sau lưng; người dân và các hộ gia đình sống gần khu vực đồng ruộng không bị ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe trong những đợt phun thuốc trừ sâu.

Với nhiều ưu điểm, tính thực tiễn cao, sáng kiến đã được Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh công nhận vào tháng 2/2018 và triển khai ứng dụng thực tiễn ở cánh đồng bản Khá (thuộc phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) và xã Thanh An (huyện Ðiện Biên). UBND huyện Ðiện Biên đánh giá đạt hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí thuốc trừ sâu, thời gian phun và công lao động. Ðồng thời, hạn chế tối đa việc phát tán thuốc trừ sâu ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.

Với những thành tích đạt được, anh Phạm Xuân Cường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, UBND tỉnh tặng Bằng khen… Hiện tại, anh đang ấp ủ thực hiện đề tài sử dụng vật liệu nano phủ lên hạt giống để kích thích sự nảy mầm và kháng bệnh cho cây trồng. Tin rằng, anh Phạm Xuân Cường sẽ có thêm nhiều sáng kiến, đề tài khoa học được công nhận, có khả năng áp dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích cho xã hội.

Ðức Linh

Giữ bình yên cho nhân dân

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trung úy Giàng A Tủa (sinh năm 1988), trinh sát viên, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh) đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, phá thành công nhiều vụ án buôn bán ma túy lớn xuyên quốc gia, được các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng.

Riêng từ năm 2017 đến nay, Trung úy Giàng A Tủa đã trực tiếp tham gia nhiều chuyên án đặc biệt. Ðiển hình như Chuyên án 028LV trong năm 2018 vừa qua. Anh không chỉ trực tiếp tham gia phá án thành công mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị; bắt giữ 3 đối tượng cầm đầu, thu giữ 60 bánh hêrôin, 40.000 viên ma túy tổng hợp, 2 xe ôtô, 1 máy ghi âm, 8 điện thoại di động và một số tang vật khác. Hay mới đây nhất, ngày 18/11/2018, Trung úy Tủa đã cùng tổ đánh án phá thành công Chuyên án 036LV, bắt giữ 2 đối tượng; tang vật thu giữ 210.000 viên ma túy tổng hợp, 1 xe máy, 2 điện thoại di động, 2.570.000 kíp Lào và nhiều tài liệu, giấy tờ có liên quan; đảm bảo tuyệt đối an toàn về mọi mặt.

Những đóng góp của Trung úy Giàng A Tủa đã được nhiều cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận, anh cũng nhiều lần được UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh BÐBP, Bộ Quốc phòng tặng Giấy khen, Bằng khen... Riêng từ năm 2017 đến nay, Trung úy Tủa được UBND tỉnh tặng 3 bằng khen; Bộ Tư lệnh BÐBP tặng 1 bằng khen về thành tích xuất sắc, tham gia phá thành công các chuyên án tội phạm ma túy. Anh cũng được chọn là gương mặt trẻ của Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh, Bộ Tư lệnh BÐBP trong năm 2017 và 2018.

Tháng 3/2018, anh là 1 trong 46 thanh niên tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương tại Lễ tuyên dương “Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác” do Tỉnh đoàn tổ chức. Trung úy Giàng A Tủa cũng vinh dự là 1 trong 4 đoàn viên thanh niên đại diện cho hàng chục nghìn đoàn viên thanh niên của tỉnh Ðiện Biên tham dự Ðại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V, năm 2018 diễn ra từ ngày 19 - 20/5 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Quang Long

Bảo tồn văn hóa dân tộc từ những làn điệu dân ca

Giọng ca của bà Lường Thị Song, bản Co Củ, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) từ lâu đã không còn xa lạ với những người yêu dân ca dân tộc Thái và những người đam mê sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Bà Song không chỉ là người hát chính trong các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống của tỉnh nhà, được mời tham dự, biểu diễn tại nhiều sự kiện trong và ngoài địa bàn mà còn là mo then có thể thực hiện nhiều nghi lễ cổ truyền trong cộng đồng người Thái. Bà Song yêu các làn điệu khắp, bài dân ca dân tộc mình từ khi còn nhỏ và góp sức lưu giữ nó đến bây giờ. Bà sưu tầm, làm dày vốn thơ ca của mình với nhiều tác phẩm cổ nổi tiếng của dân tộc, như: Xống chụ xon xao, Khun Lú nàng Ủa, Tản chụ xiết xương… cùng những lời hát đối đáp trong hội hạn khuống, lễ cưới, các “xỏng xền” (hát) làm lễ cúng, lễ gọi hồn theo phong tục truyền thống của dân tộc Thái. Ngoài ra, bà Song còn sáng tác được hơn 10 bài hát theo phong cách truyền thống ca ngợi quê hương, đất nước, bản làng văn hóa, hát giao duyên…

 

Bà Lường Thị Song (ngồi giữa hàng đầu) thực hiện nghi lễ xên Mường Thanh.

Hồi trẻ, giọng hát của bà Song đã vang xa khắp vùng, nhiều người ở các huyện khác như Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên và cả ngoài tỉnh như Sơn La tìm đến nhờ bà chỉ dạy. Mới đây nhất, bà đứng lớp dạy hát Thái cổ cho 32 người do Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái Ðiện Biên tổ chức với các nội dung về: lời cổ giọng cổ, hát trong nghi lễ cúng, hát giao duyên, đối đáp. Ðến nay, đã 55 tuổi, nhưng bà vẫn luôn sẵn sàng truyền dạy cho những người yêu văn hóa Thái. Bà Song chia sẻ: “Trong xã hội hiện đại ngày nay, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái, đặc biệt là dân ca dân tộc đang có nguy cơ mai một, không có nhiều người trẻ tuổi chịu giành thời gian, công sức tìm tòi, học những làn điệu cổ. Vì vậy, tôi thường chỉ truyền dạy cho những ai có năng khiếu và thật sự tâm huyết để nét đẹp này được hiểu sâu, trân trọng. Bản thân tôi cũng vẫn tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm các tài liệu, lời ca, làn điệu khắp cổ của dân tộc để lưu giữ”. Với những đóng góp đó, bà Song đã được tỉnh đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Nguyễn Hiền

Làm giàu từ cây ăn quả có múi

Làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả có múi là hướng đi không mới đối với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng mô hình của gia đình ông Hà Văn Hoan, tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) là một trong những hộ đầu tiên đưa cây cam canh, bưởi diễn, bưởi da xanh thành cây xóa đói giảm nghèo, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Ông Hà Văn Hoan bên vườn cây ăn quả của gia đình.

Ðến thăm gia đình ông Hoan vào những ngày cuối năm, khi vườn cam, bưởi đang vào vụ thu hoạch, tiểu thương và người dân ra vào mua bán tấp nập. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây trên 4.000m2, ông Hoan tâm sự: Từ năm 2003, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau nhiều trăn trở và học hỏi kinh nghiệm từ các chủ trang trại trong và ngoài tỉnh, tôi nhận thấy, trồng cây ăn quả chi phí ban đầu lớn, nhưng những năm sau chỉ mất công chăm sóc, mà thu hoạch khá ổn định (từ 15 - 20 năm). Bởi vậy, tôi quyết định trồng thử nghiệm 100 gốc cam canh, 130 gốc bưởi diễn, bưởi da xanh. Sau khi trồng từ 4 - 5 năm cây bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu, quả đẹp, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, trung bình mỗi năm thu hoạch từ 2,5 - 3 tấn cam canh, với giá bán tại vườn từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg; cộng với thu nhập từ bưởi diễn, bưởi da xanh, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.

Nguồn thu nhập ấy là động lực để gia đình ông Hoan tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả có múi. Năm 2017, gia đình ông trồng thêm 1ha cây ăn quả. Theo kinh nghiệm của ông Hoan, trồng cây ăn quả đòi hỏi chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài trồng cây ăn quả, gia đình ông Hoan còn trồng gần 8ha cà phê; trung bình mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với tư cách là hội viên Hội Nông dân thị trấn Mường Ảng, ông Hoan còn thường xuyên chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm với người dân trong vùng, góp phần nhân rộng mô hình. Nhiều năm liền ông Hà Văn Hoan được Hội Nông dân huyện, tỉnh và Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Anh Nguyễn

Nghị lực của cậu học trò nghèo

Một ngày cuối năm, chúng tôi đến gặp em Lê Quang Huy, lớp 12, Trường THPT Chuyên Lê Quý Ðôn (TP. Ðiện Biên Phủ) khi em cùng các bạn trong đội tuyển học sinh giỏi đang miệt mài ôn luyện cho kỳ thi quốc gia. Nhìn vẻ ngoài hiền lành, có phần nhút nhát nhưng Huy có “bộ sưu tập” các danh hiệu vô cùng ấn tượng. Ngoài giữ vững danh hiệu 11 năm là học sinh giỏi, Huy còn mang về giải nhất học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh năm lớp 10, 12; giải nhất thi máy tính cầm tay cấp tỉnh năm lớp 11, 12. Tại Trại hè Hùng Vương năm 2018, em còn xuất sắc giành Huy chương Bạc môn Hóa học. Hiện nay, em đang là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa, đại diện tỉnh nhà tham gia tranh tài với các địa phương khác trong cả nước.

 

Khác với vẻ ngoài nhút nhát, Huy còn là “cây” văn nghệ, tham gia sôi nổi các hoạt động đoàn, thể thao của trường. Ðể có được kết quả đáng nể ấy, ít ai biết rằng, Huy phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống và học tập. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo), Huy thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì bố mất khi em mới lên 3 tuổi. Không còn chỗ dựa vững chắc, một mình mẹ tảo tần, chắt chiu nuôi Huy ăn học. Thương mẹ và hiểu hoàn cảnh gia đình, Huy ra sức học tập mong sẽ có một tương lai tươi sáng. Huy chia sẻ: Ở trên lớp, em luôn tập trung lắng nghe bài giảng của thầy cô giáo, học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đó. Ngoài giờ học em tự ôn lại những kiến thức đã học và tìm hiểu thêm các sách tham khảo, tài liệu nâng cao khác. Mỗi năm học em đều tự đặt ra cho mình mục tiêu và cố gắng hoàn thành. Mục tiêu năm sau đặt ra phải cao hơn năm trước để có thêm động lực phấn đấu trong học tập.

Bảng thành tích học tập xuất sắc là minh chứng rõ ràng nhất cho những cố gắng, nỗ lực vươn lên của Lê Quang Huy. Con đường phía trước còn rất dài. Tin rằng, với bản lĩnh, nghị lực của mình, Huy sẽ vượt qua tất cả để đến với thành công.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top