Ký ức không quên

11:07 - Thứ Năm, 24/01/2019 Lượt xem: 9834 In bài viết

ĐBP - Trong những ngày cận tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi đến thăm bà Chu Chà Me là người dân tộc Hà Nhì đầu tiên vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Trong bộ trang phục truyền thống, bà Chu Chà Me như “trẻ lại” khi nhớ về những kỷ niệm được gặp Bác.

 

Bà Chu Chà Me cùng cháu bên tấm ảnh bà chụp với Bác Hồ.

Ðầu năm 1959, được sự động viên của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn, bà quyết tâm rời quê hương đi tìm cái chữ. Thời điểm đó, đường sá đi lại khó khăn, nhưng với khát khao học chữ, bà đã đi bộ 7 ngày (từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ đến tỉnh Sơn La) để học tại Trường Dân tộc Khu tự trị Thái - Mèo (sau đổi tên thành Trường Dân tộc Khu tự trị Tây Bắc).

Hôm đó là ngày 6/5/1959, khi bà cùng các bạn trong trường đang treo băng rôn, khẩu hiệu cùng toàn khu Tây Bắc nô nức mừng kỷ niệm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, thầy hiệu trưởng đi tới và thông báo tên 10 học sinh được đi gặp Bác Hồ, bà là 1 trong những người có được niềm vinh dự đó. Niềm vui đến quá bất ngờ, khiến bà cùng các bạn không giấu nổi niềm xúc động, rồi ai nấy về phòng ký túc xá, khoác lên mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, phấn khởi đi về Ủy ban Hành chính Khu. Tới nơi, bà cùng các thành viên trong đoàn chỉnh trang đội hình. Gặp Bác, một chị trong đoàn hô to bằng tiếng Thái “Páu Hồ xem pi” (Bác Hồ muôn năm), mọi người cũng đồng thanh hô “Bác Hồ muôn năm”...

Dừng câu chuyện trong giây lát, bà kể: “Bác Hồ giản dị lắm cháu ạ! Bác ân cần hỏi thăm từng người, đến lượt bà, Bác cũng ân cần hỏi rất kỹ: Cháu là dân tộc gì, nhà ở đâu, bao nhiêu tuổi?…”. Khi biết bà là người dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè - châu xa nhất của Khu, Bác cảm kích và khen bà chịu khó đi học. Khi bà nói cho Bác biết bà 17 tuổi, đang học lớp 1, bà thấy vẻ mặt Bác hơi buồn, bà nghĩ chắc Bác buồn vì bà đã 17 tuổi mà mới chỉ học lớp 1. Nhưng rồi Bác bảo: Cháu 17 tuổi mới học lớp 1 vì trước kia chế độ thực dân phong kiến đã kìm hãm các dân tộc không được đi học. Sau đó Bác căn dặn bà tuổi còn trẻ, tương lai còn ở phía trước, cố gắng học tập cho tốt, về nhà vận động thanh niên, người thân, người dân tộc Hà Nhì đi học, học nhiều mới có hiểu biết, có hiểu biết mới làm được cách mạng, làm chủ quê hương mình. Có như vậy miền núi mới tiến kịp miền xuôi. Nghe lời dặn dò ân cần của Bác, bà rất xúc động, tự hứa với bản thân học xong sẽ trở về quê hương động viên các em, các cháu mình đi học.

Hoàn thành chương trình học, bà Chu Chà Me trở về quê hương công tác tại Huyện đoàn Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ). Biết bà được gặp Bác Hồ, ai cũng vồn vã hỏi xem Bác có dặn dò gì người dân bản mình không. Không để mọi người phải ngóng đợi, bà kể lại việc Bác Hồ dặn dò người bản mình phải cho con em đi học, lấy cái chữ về xây dựng quê hương. Từ đó, nghe theo lời Bác ai cũng động viên con cháu mình đi học.

Ðối với bà Chu Chà Me, dù đi học hay làm công tác xã hội, bà luôn nhớ lời Bác Hồ dạy, không ngừng tự học, vươn lên. Nhờ những hoạt động sôi nổi trong công tác đoàn mà một lần nữa bà vinh dự được gặp Bác tại Thủ đô Hà Nội. Ðó là năm 1960, bà là 1 trong 75 phụ nữ tiêu biểu của Tây Bắc về Thủ đô Hà Nội dự Lễ Quốc khánh 2/9. Sau ngày Quốc khánh, Bác biết nguyện vọng của cán bộ, hội viên Ðoàn phụ nữ Việt Bắc và Tây Bắc, đúng 9 giờ sáng ngày 4/9, Bác Hồ đến thăm chị em ở nhà khách Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà Me nói với giọng thành kính: Trong hàng trăm phụ nữ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Bác Hồ vẫn nhận ra bà là Chu Chà Me, người phụ nữ Hà Nhì đầu tiên dám rời ngã ba biên giới - đi bộ hàng trăm cây số để tìm con chữ. Bác tiến lại gần và hỏi: “Cháu Chà Me à! Cháu đã học lớp mấy rồi? Cháu về quê thấy thanh, thiếu niên dân tộc Hà Nhì đã đi học nhiều chưa?”. Bà Me báo cáo với Bác về tình hình học tập của thanh niên địa phương mình, rồi thưa với Bác là bà đã học hết lớp 2, được kết nạp vào Ðảng Lao động Việt Nam (tức Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Bác khen bà tiến bộ, nhưng vẫn cần nâng cao trình độ văn hóa thì mới đóng góp cho dân tộc mình, cho xã hội…

Giờ đây, khi ở tuổi bát tuần, bà Chu Chà Me vẫn rưng rưng niềm xúc động khi nhớ về những kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Bà không thể ngờ vị lãnh tụ của dân tộc bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn nhớ tới bà, vẫn quan tâm tới việc học của người dân nơi miền biên viễn - quê hương bà. Im lặng trong giây lát, như nén sự xúc động đang ùa về, bà tiếp tục câu chuyện: Buổi gặp gỡ hôm ấy, Bác còn dặn chị em dân tộc thiểu số phải tự cố gắng phấn đấu vươn lên, cố gắng học tập, nâng cao trình độ văn hóa…

Ðối với bà Chu Chà Me, những lời quan tâm căn dặn đó của Bác Hồ không chỉ dành riêng cho bà, cho người dân tộc Hà Nhì, mà những tình cảm, lời dặn dò đó Bác gửi gắm đến toàn thể người dân Tây Bắc - Ðiện Biên.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top