Chuyện những người hai quê

12:24 - Thứ Hai, 28/01/2019 Lượt xem: 11337 In bài viết

ĐBP - Ngược thời gian trở về những năm 60 của thế kỷ trước, hàng nghìn người dân Thái Bình đã rời quê hương lên Tây Bắc xa xôi để khai hoang mở đất, cùng sát cánh bảo vệ và xây dựng mảnh đất Ðiện Biên anh hùng. Thấm thoắt cũng đã hơn 60 năm, những người đi phát triển kinh tế Tây Bắc năm nào nay đã gắn bó với mảnh đất này. Với họ, Ðiện Biên đã trở thành quê hương thứ hai, nặng lòng không kém nơi họ đã sinh ra… 

 

Cụ Vũ Kiệm và ông Vũ Văn Ðình ôn lại chuyện năm xưa lên Ðiện Biên khai hoang, lập nghiệp.

Những người đi mở đất

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, thực hiện chủ trương của Trung ương về vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, hàng nghìn hộ dân từ nhiều tỉnh châu thổ sông Hồng ngược lên Tây Bắc. Trong đó, lời kêu gọi đi xây dựng Ðiện Biên ngày ấy đã được đông đảo người dân Thái Bình hưởng ứng. Cụ Vũ Kiệm, nguyên quán Tiền Hải (Thái Bình), hiện đang sinh sống tại phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) là một trong số những người đầu tiên lên khai hoang, mở đất. Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ vẫn nhớ như in những ký ức ngày đầu lên Ðiện Biên. Khi đó vẫn là chiến trường còn ngổn ngang bom đạn. Công tác lâu năm và nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên những năm 80 của thế kỷ trước, nên chuyện về người Thái Bình ở đất Ðiện Biên này cụ Kiệm nắm rất rõ. Những năm 1960 - 1961 của thế kỷ trước, cùng với những cựu chiến binh ở lại xây dựng nông trường, dòng người Thái Bình lên Ðiện Biên bắt đầu thành lập các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất, chủ yếu là làm lúa nước. Những hộ dân lên đợt đầu được bố trí ở mạn dưới, thuộc khu vực xã Pom Lót bây giờ. Ngoài ra, cũng có những hộ được phân công vào tận khu vực bản Ta Lét, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên). Từ những hợp tác xã ban đầu, dần dà các hộ dân lên sau mới phát triển ngược lên phía xã Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Nưa bây giờ. Có lẽ bởi người dân bản địa mến khách, sẵn sàng chia sẻ ruộng nương, trâu bò cho những người ở đồng bằng nên dòng người Thái Bình lên với Ðiện Biên không dứt, cho đến những năm 1985 vẫn có những hộ rời quê lên xây dựng kinh tế mới. Theo thống kê vào thời điểm bấy giờ, dân số huyện Ðiện Biên có đến 38% dân tộc Kinh, chủ yếu đến từ quê lúa Thái Bình.

Và những người đi mở đất ấy đã đóng góp rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu trong việc xây dựng và phát triển Ðiện Biên. Không chỉ khai khẩn, mở rộng diện tích sản xuất lên gấp 2, gấp 3 lần, biến mảnh đất chiến trường thành ruộng lúa xanh tươi, những người con của quê hương 5 tấn còn mang theo kỹ thuật sản xuất lúa nước chuyển giao cho người Thái, Mông, Tày… Ðiện Biên. Theo lời cụ Vũ Kiệm, trước đây người Thái canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, không chú trọng chăm sóc nên năng suất lúa tương đối thấp, chỉ đạt 1,8 - 2 tấn/ha/năm đối với lúa nước, 1 tấn/ha/năm đối với lúa nương. Với kinh nghiệm lâu đời, người Thái Bình đã mang kỹ thuật làm cỏ, chăm sóc lúa theo từng thời kỳ… giúp họ thay đổi cách thức sản xuất từ lâu đời. Nhờ vậy, năng suất lúa dần tăng lên, đến năm 1967 - 1968, năng suất đạt tới gần 5 tấn/ha/vụ… Dần dần, theo sự phát triển của thời gian và xã hội, ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 của người Thái Bình năm xưa đã và đang tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Giáo dục, y tế, sản xuất công nghiệp, lực lượng vũ trang… Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển mảnh đất Ðiện Biên Phủ ngày càng phồn vinh.

 

Xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) có 20 thôn, bản, trong đó gần 60% là người Thái Bình. Trong ảnh: Một góc đường nông thôn mới ở thôn 5.

Da diết nỗi nhớ quê

Gần 60 năm gắn bó với mảnh đất Ðiện Biên là cũng chừng ấy năm những người Thái Bình da diết nhớ quê hương. Cuộc sống ở mảnh đất chiến trường xưa đã rất đỗi khó khăn, nhưng hành trình về cố hương cũng gian nan không kém. Ông Kiệm cũng như bao người dân Thái Bình thuở ấy chẳng thể quên những ngày dài đằng đẵng (15 ngày) mới nhìn thấy người thân. Mỗi lần đi là một lần cả gia đình phải lận lưng xoong nồi, bếp dầu, gạo, mắm… cho hành trình dài ngày gian khổ. Cũng có không ít người từ khi rời quê hương đến nay chưa một lần có dịp trở lại… Ông Kiệm tâm sự: Ðối diện với khó khăn, vất vả cũng như hành trình về quê đầy gian nan ấy, nhiều người không đủ ý chí kiên định để tiếp tục ở lại. Nhưng những người ở lại luôn tâm niệm một điều rằng đây sẽ là quê hương mới, là nơi ta đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu mới có được… Chính vì vậy, ai cũng ra sức cố gắng, nỗ lực bằng tất cả sức mình, tiếp tục chung tay vào công cuộc xây dựng quê hương Ðiện Biên ngày càng giàu đẹp. Ở tuổi xế chiều, có những lúc ông Kiệm cũng nghĩ đến chuyện về lại quê hương, an hưởng tuổi già. Nhưng ngẫm lại, gần như cả cuộc đời đã gắn bó với Ðiện Biên, lớp con cháu cũng đã tiếp nối nhiệm vụ của cha ông, cống hiến sức mình cho mảnh đất này nên ông chẳng muốn xa…

Ðể bớt nỗi nhớ quê hương, những người Thái Bình tập hợp nhau lại dưới hình thức những hội đồng hương. Có nhiều hình thức tổ chức, từ hội đồng ngũ, đồng niên đến những hội đồng hương cùng làng, xã hay cùng huyện nhưng nhiều hội viên hơn cả là Hội đồng hương tỉnh Thái Bình. Ông Vũ Văn Ðình, Trưởng ban đại diện Hội Ðồng hương Thái Bình tại Ðiện Biên, chia sẻ: Hiện nay, hội có gần 500 hội viên, sinh hoạt tại 24 tổ dân phố trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và các xã lân cận. Hàng năm, hội lấy ngày giỗ của tướng quân Hoàng Công Chất là ngày kỷ niệm để tổ chức gặp mặt, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Và đó cũng là dịp để nhắc nhở thế hệ con cháu ngày nay, đang sinh sống và làm việc ở Ðiện Biên nhưng cũng không quên gốc gác, nguồn cội của mình là ở quê lúa Thái Bình. Dẫu vậy, khi có điều kiện thì tranh thủ về thăm quê chứ ai cũng nặng lòng với Ðiện Biên hết rồi, chẳng nỡ rời xa đâu…

Lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, thế hệ đi trước như cụ Kiệm, ông Ðình và những người Thái Bình khác đã quyết định ở lại, lựa chọn Ðiện Biên là quê hương thứ hai để gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này. Chúng tôi cũng đều là thế hệ thứ 2, thứ 3 của những người đi mở đất năm xưa, thầm cảm ơn các lớp cha ông đã vượt qua muôn ngàn gian khó, gây dựng nền móng vững chắc để Ðiện Biên có thể phát triển như ngày hôm nay. Thay cho lời kết, xin dẫn một câu ca mà chúng tôi thuộc nằm lòng từ khi còn tấm bé: Thái đen, Thái trắng, Thái Bình/Ba Thái đồng tình xây dựng Ðiện Biên.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top