Xuân này vui hơn với những người “không quốc tịch”

12:31 - Thứ Hai, 28/01/2019 Lượt xem: 10578 In bài viết

ĐBP - Chỉ cách nhau bởi 1 đường phân chia địa giới hành chính quốc gia, lại có sự tương đồng, gần gũi về phong tục, tập quán, nhiều chàng trai, cô gái các bản làng giáp biên giới Việt Nam - Lào đã nên duyên vợ chồng. Nhưng đi theo tiếng gọi tình yêu, đến lập thân, lập nghiệp ở một đất nước khác không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người Lào kết hôn với người Việt ở Ðiện Biên mà chưa đăng ký kết hôn, không có giấy tờ tùy thân, không được ghi tên vào hộ khẩu gia đình, và không ít người trong đó “chông chênh” suốt nhiều năm dài không quốc tịch. Mới đây, theo thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt - Lào, những người ấy đang được tạo điều kiện thuận lợi nhất thực hiện các thủ tục đơn giản để xin cấp quốc tịch Việt Nam và các giấy tờ tùy thân. Với chủ trương này, xuân đến với các gia đình mang 2 dòng máu Việt - Lào ở biên giới Ðiện Biên chắc chắn yên vui và ấm áp hơn.

 

Chị Quàng Thị Sương bên các con.

Lò Thị Thiến (sinh năm 1992) và Quàng Thị Sương (sinh năm 1989) cùng ở bản Pồn Xày, Mường Mày, Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào) cùng lấy chồng bản Mé, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) từ năm 2008, 2009. Chị Lò Thị Thiến chia sẻ: Khi kết hôn chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản yêu nhau thì về sống với nhau nên không thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết và cũng không làm được giấy đăng ký kết hôn. Sau này mới thấy mình thiệt thòi, nhiều khi không vào được sổ hộ khẩu gia đình, không có chứng minh nhân dân, vì thế mà cũng không thi được bằng lái xe, gặp khó khăn khi mua thẻ bảo hiểm y tế, làm các giấy tờ khác và đi xin việc làm. Ðược biết, ngoài công việc đồng áng, tranh thủ lúc nông nhàn 2 chị đi phụ xây quanh khu vực TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Dù công việc nặng nhọc và đi sớm về muộn, tiền công không cao nhưng 2 chị đành chấp nhận vì không đòi hỏi giấy tờ tùy thân. Chị Quàng Thị Sương nói: “10 năm lấy chồng, tôi chưa 1 lần quay trở về quê hương thăm gia đình vì không có giấy tờ tùy thân nên không làm được giấy thông hành. Khi nào ông bà ngoại có thời gian, điều kiện thì sang thăm con cháu thôi. Có gia đình riêng được 10 năm rồi nhưng lúc nào tôi cũng cảm thấy như mình không có gì trong tay (không có tên trong sổ hộ khẩu, phải làm giấy tạm trú), nhiều lúc tủi thân vô cùng, chỉ biết nghĩ đến 2 đứa con khỏe mạnh, ngày càng khôn lớn làm động lực”.

Ðây cũng là hoàn cảnh chung của những người di cư tự do, kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới. Họ có thể được cấp quốc tịch và các giấy tờ cần thiết nhưng vì hiểu biết hạn hẹp, cuộc sống không mấy dư dả, trong khi thủ tục xin cấp quốc tịch khá phức tạp, chi phí tương đối cao, lại phải xuống Bộ Tư pháp (Hà Nội) để hoàn thiện nên không ai thực hiện và chấp nhận cuộc sống như hiện tại. Anh Lò Văn Biến (bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên) có vợ người Lào là chị Lò Thị Thu (Nang Thu), cho biết: Cưới nhau từ năm 2010, mấy lần tôi đi hỏi thủ tục làm giấy tờ tùy thân cho vợ nhưng thấy phức tạp quá, nhiều cái không biết bắt đầu từ đâu nên thôi.

Sau các hoạt động rà soát, kiểm tra tại các địa phương, ngày 27/8/2018, Bộ Ngoại giao ban hành Văn bản số 3196/BNG-UBBG về việc thông báo phê duyệt danh sách những người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới các tỉnh Ðiện Biên, Quảng Trị, Kon Tum được phép cư trú tại Việt Nam. Ông Nguyễn Như Hưng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Lễ tân lãnh sự (Sở Ngoại vụ) cho biết: Theo danh sách phê duyệt, Ðiện Biên có 109 trường hợp kết hôn không giá thú được phép cư trú thuộc các cặp tỉnh Ðiện Biên - Phoong Sa Ly, Ðiện Biên - Luông Pra Băng. Căn cứ Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 nước, đối với những người được phép cư trú có thể được nhập quốc tịch nước cư trú, đăng ký hộ tịch và cấp các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật mỗi nước, đồng thời được tạo thuận lợi để làm thủ tục cấp các loại giấy tờ trên.

Theo đó, Sở Tư pháp đã chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn phòng tư pháp 4 huyện và UBND 29 xã biên giới rà soát và hỗ trợ người kết hôn không giá thú có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định làm hồ sơ xin nhập quốc tịch và đăng ký khai sinh, kết hôn. Ðến nay, 83/109 trường hợp kể trên đã hoàn thiện hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và gửi về Sở Tư pháp, trong đó: Huyện Ðiện Biên 76 người, Nậm Pồ 3 người, Mường Chà 1 người, Mường Nhé 3 người. 26 trường hợp chưa làm hồ sơ xin nhập quốc tịch bao gồm 12 trường hợp di cư sau thời hạn thực hiện Thỏa thuận Việt Nam - Lào không thuộc phạm vi giải quyết nhập quốc tịch với thủ tục đơn giản quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BTP ngày 1/4/2015 mà phải làm hồ sơ theo thủ tục thông thường tại Sở Tư pháp, 2 trường hợp vi phạm pháp luật hình sự bị truy nã không đáp ứng đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, 12 trường hợp ở thời điểm hướng dẫn làm hồ sơ không có mặt tại địa phương. Ngày 24/12/2018, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh văn bản, danh sách, hồ sơ xin nhập quốc tịch của 83 trường hợp trên để UBND tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất Bộ Tư pháp về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Khi nhận được thông tin này, người dân các xã biên giới có tên trong danh sách đều vui mừng khôn xiết. Vậy là sau nhiều năm sống “không được thừa nhận” họ sắp chính thức là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp. Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Pa Thơm có 35 trường hợp người Lào kết hôn với người Việt được đề nghị cấp quốc tịch đợt này. Họ đều chấp hành tốt các quy định pháp luật Việt Nam, địa phương cư trú. Trong số đó, trên 70% sống trong hộ gia đình nghèo, thiệt thòi nhiều vì không được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mỗi khi khám, chữa bệnh hay gặp vấn đề gì, UBND xã, Công an xã lại phải giúp làm xác nhận họ là người dân tại địa bàn nên khá bất tiện. Vì vậy, ai cũng mong sớm được cấp quốc tịch.

Nghe tin vợ được nhập quốc tịch lần này, anh Lò Văn Biến vui lắm. Anh cho biết thêm: “Hộ khẩu sắp có đủ 4 thành viên, bù đắp phần nào những thiệt thòi cho vợ, gia đình tôi quyết định tết này sẽ ăn to hơn, đầy đủ hơn, dành con lợn 40 - 50kg trong chuồng để mổ ăn tết”. Chị Quàng Thị Sương, Lò Thị Thiến thì chia sẻ dự định sau khi có chứng minh nhân dân và làm được giấy thông hành thì cả gia đình về thăm quê ngoại, gặp lại anh em, bạn bè sau quãng thời gian dài xa cách. Sau nhiều năm mong đợi, không có điều kiện để làm các thủ tục xin cấp quốc tịch, giờ đây những người Lào kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới đã có thể yên tâm ăn tết, đón xuân vui vẻ, ấm áp bên gia đình, chờ ngày chính thức ghi tên mình vào các giấy tờ quan trọng.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top