Xuân về trên điểm sáng vùng cao

10:20 - Thứ Ba, 29/01/2019 Lượt xem: 12636 In bài viết

Cứ đến tháng Chạp, dọc đường lên Sín Thầu, khi hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ là tín hiệu đầu tiên về Tết truyền thống của người Hà Nhì. Trong năm, ngoài ba ngày lễ, Tết chính của dân tộc, đồng bào cũng tưng bừng đón Tết Nguyên đán với bộ đội biên phòng và bà con các anh em sinh sống trên địa bàn.

 

Thiếu nữ Hà Nhì trong trang phục truyền thống đón Tết.

Xuân này khác xưa

Sín Thầu là xã biên giới nằm phía tây bắc huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên; có ngã ba biên giới A Pa Chải giáp Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nơi một tiếng gà cất lên cả ba nước cùng nghe. Xã Sín Thầu có bảy bản, đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm hơn 90% dân số với 232 hộ, 1.424 nhân khẩu. Một năm, đồng bào nơi đây có ba ngày lễ, Tết là lễ cúng bản vào tháng ba, Tết mùa mưa khoảng tháng năm, tháng sáu và Tết người Hà Nhì vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Chạp. Thời điểm này, dù Tết của người Hà Nhì đã qua nhưng không khí xuân trên mảnh đất biên cương ấy dường như còn kéo dài đến tận bây giờ bằng không khí lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng sôi nổi trước Tết Nguyên đán. Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư xã Sín Thầu cho biết, trong những ngày Tết của người Hà Nhì, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Từ trước Tết, phụ nữ Hà Nhì vừa cắt may, thêu thùa bộ áo dài truyền thống, vừa nuôi gia súc, gia cầm để chuẩn bị nguồn thực phẩm dồi dào ăn Tết. Năm mới, trước khi mổ lợn làm cỗ, phụ nữ trong mỗi nhà sẽ làm bánh trôi dâng cúng tổ tiên, cầu mong niềm vui, sức khỏe cho năm mới. Ngày thứ hai, họ giã bánh dày, vừa dâng cúng vừa đãi khách. Khách đến chơi ngày Tết, lúc ra về luôn được tặng gói thịt, gói bánh mang về. Trong quan niệm của đồng bào nơi đây, phụ nữ rất nhiều trọng trách. Nhà có đàn bà con gái, nhìn đống củi to, xếp đặt gọn gàng là biết ngay tính nết phụ nữ hay lam hay làm. Tết đến, họ lo cỗ bàn, đón khách, có khi chờ khách gần ăn xong mới ngồi vào mâm.

Sín Thầu bây giờ đã khác xưa nhiều, không còn những căn nhà tranh tre dột nát; hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng đạt chuẩn quốc gia; nhiều hộ có nhà cửa khang trang, tiện nghi hiện đại: Các mô hình kinh tế trang trại, du lịch sinh thái đang được triển khai thí điểm tại địa phương. Riêng kinh tế trang trại, toàn xã có hơn 10.000 con gia súc, với 12 hộ điển hình, trong đó hộ trung bình nuôi vài chục con trâu, bò, hộ nhiều nhất, nuôi tới hơn 300 con. Phong trào văn hóa văn nghệ luôn được đẩy mạnh; bản nào cũng có đội văn nghệ, thể dục thể thao…; trong các hội thi cấp huyện, Sín Thầu nhiều lần giành giải nhất. Nhiều năm trở lại đây, cấp ủy chính quyền xã phối hợp Ban chỉ huy Ðồn Biên phòng A Pa Chải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của nhà nước; các quy chế về khu vực biên giới; thực hiện thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Với việc toàn bộ hộ dân ký kết với bộ đội biên phòng thực hiện tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc, ngăn chặn xâm canh, xâm cư, buôn lậu, phá rừng, đã đưa Sín Thầu trở thành điểm sáng vùng cao. Rừng Sín Thầu luôn đạt được tỷ lệ che phủ khoảng 70%, trong đó nhiều cây lấy gỗ và dược liệu quý được bảo tồn.

Bức tranh toàn cảnh tươi sáng ngày hôm nay không khỏi gợi nhớ về Sín Thầu trước đây từng là xã đặc biệt khó khăn bậc nhất cả nước với hơn 1.300 hộ trong đó có tới gần 80% hộ nghèo, đến tận năm 2007 mới có đường ô-tô tuyến xã. Hiện nay, Sín Thầu là xã có tỷ lệ hộ nghèo 30%, thấp nhất toàn huyện, đồng thời đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Mường Nhé với gần 19 tiêu chí đã hoàn thành.

Chú trọng bảo tồn văn hóa dân tộc

Góp phần làm nên diện mạo đổi khác của Sín Thầu hôm nay, phải kể đến những điển hình tiêu biểu vừa tích cực xây dựng kinh tế, vừa tâm huyết bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Hà Nhì. Câu chuyện về nghệ nhân Pờ Dần Xinh giỏi làm kinh tế lại am tường văn hóa được nhiều người biết đến. Ông sinh ra trong một gia đình truyền thống, cha từng tham gia cách mạng và là một trong những người đứng ra thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên ở xã biên giới này. Pờ Dần Xinh cũng là người đầu tiên của Sín Thầu được lên tỉnh học hết cấp III. Trong suốt gần 20 năm làm chủ tịch UBND, rồi Bí thư Ðảng ủy xã, ông chung tay, định hướng bà con lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa bỏ tệ nạn và không ngừng học tập. Từ năm 2015 đến nay, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn luôn say mê với việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình, thử nghiệm xây dựng mô hình du lịch sinh thái, homestay, lên kế hoạch phục dựng nhà trình tường độc đáo của đồng bào Hà Nhì. Trò chuyện với chúng tôi, ông Pờ Dần Xinh say sưa nói về mô hình trang trại mà gia đình mình xây dựng từ năm 1996. Thời điểm ấy, ông đào ao, thả cá bị bà con chê cười vì "đồng bào ăn cá suối, không ăn cá ao"; gọi máy cẩu, xe lu vào khu đất nhà mình để làm đường cũng bị coi là việc làm viển vông, thừa thãi. Qua nhiều năm tháng vất vả, bây giờ, ông trở thành tấm gương sáng cho bà con noi theo. Dòng họ của ông có hơn 30 người trình độ đại học và trên đại học. Ngoài xây dựng kinh tế gia đình, ông Pờ Dần Xinh thường xuyên quan tâm, khích lệ bà con vận dụng các chính sách ưu tiên của Nhà nước, từ việc nhận giống cây trồng vật nuôi, tham gia tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức để cùng phát triển. Gia đình ông cũng là một trong những hộ tích cực hiến đất xây trường học, xây các công trình xã hội với tổng diện tích hơn 5 ha. Nghệ nhân Pờ Dần Xinh cho biết, ông ấp ủ làm khu du lịch sinh thái, không chỉ phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của khách mà trong đó còn có bảo tàng tư liệu Hà Nhì; nhà trình tường; các nghề thủ công truyền thống như đan lát, thêu thùa. Thành viên các đội văn nghệ biểu diễn điệu hát múa truyền thống, biết thổi những điệu sáo, kèn môi theo mùa, từ lúc cầu mưa tới khi lúa trổ bông rồi chín vàng trên khắp nương rẫy. Ngoài ông, địa phương còn có bà Su Lò De là một trong số ít người Hà Nhì còn thuộc các điệu hát, múa cổ. Bà kể, xưa kia, cứ dịp Tết, khi không bận cỗ bàn, lễ lạt thì người Hà Nhì sẽ hát múa cùng nhau, xong xuôi cả bản cùng làm mâm cơm cúng, cầu may mắn trong năm. Nhiều lần bà được đi biểu diễn ở các hội thi trong nước, giao lưu với nước bạn, và bây giờ vẫn truyền dạy cho các cháu học sinh. Kỷ niệm bà nhớ nhất là cách đây đến vài chục năm, khi còn trẻ, bà tham gia văn nghệ dưới huyện. Ngày ấy, đường chưa thông, đi đường mòn hết năm ngày, cứ đi một đoạn lại thấy nai hoẵng chạy ra, hát xong lại đi bộ về. "Vẫn biết đường xa, chân mỏi, nhưng hát múa rồi cái bụng rất vui", bà bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời. Ðiều bà Su Lò De băn khoăn nhất lâu nay là việc mình không biết chữ và rất cần những người ghi chép, dịch lời vài chục điệu hát cổ có nguy cơ thất truyền.

Ngày 27-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1270/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; tỉnh Ðiện Biên cũng đã có những đề án cụ thể nhằm bảo tồn phát triển văn hóa gắn với kinh tế xã hội. Trong đó, xã Sín Thầu là địa phương được ưu tiên hỗ trợ đầu tư bảo tồn một số bản văn hóa truyền thống nhằm giữ gìn văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch. Với khát vọng, nỗ lực thay đổi, Sín Thầu đã và đang đóng góp những giá trị tích cực trong bài toán phát triển toàn diện, trở thành một điểm sáng vùng cao.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top