Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông

11:08 - Thứ Năm, 31/01/2019 Lượt xem: 12507 In bài viết

ĐBP - Sau gần hai năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 30/3/2017 của UBND TP. Điện Biên Phủ về việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông trên địa bàn thành phố (gọi tắt là Kế hoạch 298), tình trạng tái lấn chiếm hành lang, lòng đường trên các tuyến phố có dấu hiệu bùng phát trở lại. 

Thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán của người dân tăng cao. Chính vì vậy, vỉa hè của nhiều tuyến đường, nhất là khu vực trung tâm thành phố bị chiếm dụng làm chỗ bày bán hàng hóa, dựng biển quảng cáo, thậm chí họp chợ, để vật liệu xây dựng…; lòng đường trở thành “bãi để xe”, chỗ dựng xe của khách mua hàng, gây cản trở giao thông. Trên đoạn đường Trường Chinh, khu vực gần Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, gây cản trở cho việc đi lại của học sinh mỗi khi tan trường; trong khi đó, phụ huynh đón con không có chỗ để xe nên phải dựng xe ngay lòng đường, khiến đoạn đường này càng thêm ùn tắc. Hay tại khu vực đường Kênh tả thuộc phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường họp chợ diễn ra phổ biến, khiến giao thông bị cản trở, gây mất mỹ quan đô thị...

 

Người dân lấn chiếm vỉa hè để buôn bán tại đường Kênh tả, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Dạo một vòng qua các tuyến đường quanh thành phố Điện Biên Phủ, chúng ta rất dễ nhận thấy việc lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông đang có chiều hướng tái diễn trở lại, khiến cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng và nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông tăng cao. Nếu như trước đây, trong giai đoạn 1 và đợt 1 giai đoạn 2 của Kế hoạch 298, tình trạng trên cơ bản đã được chấm dứt, thì thời điểm này việc vi phạm không chỉ manh nha trở lại mà còn có dấu hiệu ngày một tăng thêm.

Việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường không chỉ diễn ra ban ngày, mà còn diễn ra cả ban đêm. Người dân tận dụng tối đa thời gian cận tết để kinh doanh, buôn bán, xây dựng… Tại đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Thanh Bình, người dân biến vỉa hè thành “chợ hoa” để buôn bán. Hoa đào, quất cảnh, địa lan, phong lan… bày bán la liệt trên vỉa hè của người đi bộ, khiến người dân phải đi xuống lòng đường. Khách hàng mua hoa dựng xe tràn lan ngay dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Hầu hết vỉa hè tại tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, phường Mường Thanh, đã bị “trưng dụng” bày hàng hóa, như: hoa quả, bánh kẹo, chăn ga…; nhất là khu vực ngã tư chợ Mường Thanh (trước Nhà Thiếu nhi tỉnh), hàng hóa được bày hết ra vỉa hè và thậm chí cả lòng đường; khiến giao thông thường xuyên bị đình trệ…

Ở một số nơi, vỉa hè còn được tận dụng để làm bãi giữ xe, chỗ để vật liệu xây dựng. Điển hình vỉa hè đường Hoàng Văn Thái, khu vực gần Nghĩa trang liệt sỹ A1 được sử dụng để làm bãi đỗ xe cho các quán trà đá; hay tuyến đường Võ Nguyên Giáp (khu vực tổ 6, phường Nam Thanh), vỉa hè còn là nơi để vật liệu xây dựng: gạch, xi măng, cát… của các hộ dân. Lòng đường, vỉa hè tại các khu vực trước cổng chợ Trung tâm I, Trung tâm III, cũng tái diễn tình trạng người dân bày rau củ, thực phẩm để buôn bán.

Lý do mà các tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông đưa ra là do họ không có chỗ để buôn bán và vỉa hè thì lại rất thuận tiện để bày hàng. Chị Nguyễn Thị Hường người dân tại Kênh tả, phường Him Lam, cho biết: “Him Lam chỉ có một chợ để người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa, nhưng chợ nhỏ quá, không đủ chỗ cho mọi người bán hàng nên đành lòng mọi người phải họp chợ ở đây”.

Ông Đỗ Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ, cho biết: “Hiện nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vi phạm hành lang giao thông vẫn còn tồn tại và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong tết, Công an thành phố Điện Biên Phủ phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và UBND các phường, xã, đội quản lý trật tự đô thị tăng cường tuần tra, xử lý, cưỡng chế nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, khắc phục tối đa tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, hành lang giao thông, trả lại vỉa hè cho người đi bộ”.

Cũng theo ông Đỗ Trung Kiên, nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm hành lang giao thông chủ yếu do ý thức của đại bộ phận người kinh doanh, buôn bán chưa cao. Khi lực lượng chức năng tới nhắc nhở thì chấp hành đúng quy định, nhưng chỉ ít phút sau tình trạng lấn chiếm tiếp tục tái diễn. Một nguyên nhân nữa còn do sự quan tâm chỉ đạo, theo dõi của một số cơ quan liên quan chưa sát sao; tổ công tác của UBND một số phường hoạt động chưa mạnh mẽ, khiến việc tuyên truyền, nhắc nhở chưa thường xuyên, thiếu hiệu quả.

Bài, ảnh: Lan Hương
Bình luận
Back To Top