Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp

11:20 - Thứ Năm, 14/02/2019 Lượt xem: 11469 In bài viết

ĐBP - “Start up” (khởi nghiệp) là cụm từ được nhắc đến nhiều trong giới trẻ hiện nay. Nhu cầu lập thân lập nghiệp với thanh niên là rất lớn, không chỉ ở thành phố mà đối với cả thanh niên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Tổ chức Đoàn đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Anh Vàng A Chả chăm sóc đàn bò của gia đình.

Anh Lò Văn Tuấn, bản Nà Dên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) là 1 trong 30 thanh niên được vinh danh “Thanh niên làm kinh tế giỏi” tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp hồi cuối tháng 12/2018. Dẫn chúng tôi tham quan khu trang trại của mình, anh Tuấn chia sẻ: Mặc dù tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã một thời gian, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu và tiếp cận nguồn vốn như thế nào. Đầu năm 2018, tôi được Tỉnh đoàn tư vấn thực hiện mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả; đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật và cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn. Với số vốn được hỗ trợ cộng thêm tiền tích cóp, vay mượn gia đình, bạn bè, anh Tuấn mạnh dạn đầu tư nuôi 750 con gà đồi. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn gà phát triển tốt, ít dịch bệnh, trọng lượng gà tăng khá nhanh, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, anh Tuấn đã mở rộng quy mô lên đến hàng nghìn con, với nhiều lứa gối nhau để thường xuyên có gà cung cấp ra thị trường. Năm 2018 trừ chi phí anh thu về trên 200 triệu đồng từ bán gà thương phẩm. Kết hợp lấy ngắn nuôi dài anh Tuấn trồng các loại cây ăn quả, như: chuối, mít, mận, xoài, bưởi da xanh… Nhờ được định hướng ngay từ đầu, cùng với kiến thức đã học, việc khởi nghiệp của anh Tuấn khá thuận lợi, cho thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương.

Không có cơ hội học lên đại học, sau khi tốt nghiệp lớp 12 (năm 2013) anh Vàng A Chả, bản Háng Lìa B, xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) khởi nghiệp với mô hình vườn, ao, chuồng. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi nên anh Chả đã gặp không ít khó khăn trong 2 năm đầu lập nghiệp. Năm 2015, anh Vàng A Chả đăng ký tham gia lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi do Tỉnh đoàn phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức. Từ những kiến thức đã học, kết hợp với sự giúp đỡ, tư vấn của các tổ chức đoàn thanh niên, anh Chả đã mạnh dạn mở rộng diện tích ao cá lên hơn 2.000m2, thả cá rô phi, trắm cỏ và cá trôi. Chỉ tay về phía bãi cỏ non xanh mướt, anh giới thiệu: “Đó là trên 1ha cỏ voi tôi trồng làm thức ăn cho 50 con trâu, bò và cá các loại; kế đó là 50 cây mận tam hoa đã cho thu hoạch được 2 vụ”. Nhờ mạnh dạn đầu tư và sự hỗ trợ về chuyên môn của các tổ chức đoàn cơ sở, Vàng A Chả đã tự tin hơn trên con đường phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, trừ chi phí Chả thu về 100 triệu đồng/năm từ mô hình vườn, ao, chuồng. Năm 2018, Vàng A Chả được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen vì đã có thành tích “Thanh niên làm kinh tế giỏi”.

Mô hình phát triển kinh tế của Lò Văn Tuấn và Vàng A Chả chỉ là hai trong hàng trăm mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, sự định hướng, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp của các tổ chức đoàn như một luồng gió mới khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp trong các đoàn viên thanh niên.

Trao đổi về vấn đề này, anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Xác định công tác đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã cụ thể hóa bằng những nội dụng cụ thể, như: Tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp, các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đoàn về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quy định về cách thức kinh doanh, giới thiệu các gương điển hình phát triển kinh tế, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, tổ chức các buổi tham quan, học hỏi các mô hình làm kinh tế điển hình... cho đoàn viên thanh niên. Tuy nhiên, thanh niên là lực lượng trẻ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, có nhiều ý tưởng sáng tạo, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh, song khó khăn của mỗi đoàn viên thanh niên khi lập nghiệp không chỉ là ít kinh nghiệm mà quan trọng còn là thiếu vốn. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thanh niên trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn các cơ sở đoàn hoàn thiện các tổ vay vốn do đoàn viên thanh niên làm chủ, đăng ký cho đoàn viên thanh niên vay vốn, từ đó, phong trào thanh niên làm chủ mô hình kinh tế ngày càng phát triển sôi nổi. Từ những hoạt động trên đã xuất hiện nhiều điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi có mức thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top