Sáp nhập thôn, bản trên địa bàn huyện Ðiện Biên

Không nóng vội, không giảm ồ ạt

09:16 - Thứ Hai, 18/02/2019 Lượt xem: 9641 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, huyện Ðiện Biên đã xây dựng đề án cho các xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở và hoạt động của tổ chức cộng đồng các khu dân cư trên địa bàn. Từ đó đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, nhân dân, góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền hoạt động tại cơ sở.

Huyện Ðiện Biên hiện có 465 thôn, bản. Qua rà soát và dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, huyện sẽ còn 340 thôn, bản; giảm 125 thôn, bản. Trong đó có 4 xã: Hẹ Muông, Hua Thanh, Núa Ngam, Na Ư giữ nguyên không sáp nhập được vì địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, khác nhau về phong tục tập quán. Ông Bùi Xuân Trường, Trưởng Phòng tổ chức và nội vụ huyện cho biết: Xuất phát từ thực trạng tổ chức và hoạt động của thôn, bản trên địa bàn có quy mô quá nhỏ, hầu hết không đảm bảo điều kiện về quy mô số hộ gia đình theo quy định. Thôn, bản, đội có quy mô nhỏ sẽ tạo áp lực lớn đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ sinh hoạt cộng đồng chung của bản. Số lượng thôn, bản nhiều dẫn đến tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách… Việc rà soát, sắp xếp, sáp nhập làm giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi cho ngân sách. Ðồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản. Hiện nay, sau khi huyện rà soát và xây dựng đề án cho các xã, lấy ý kiến của nhân dân theo quy định, tổ chức khảo sát các điều kiện cụ thể để sáp nhập trên địa bàn. Huyện đã chỉ đạo các phòng ban chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về chủ trương sáp nhập thôn, bản, khảo sát các vấn đề về địa hình, diện tích, dân số; điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động sau khi sáp nhập... Ðối với những thôn, bản có đủ các điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập sẽ tiến hành ngay trong năm nay. Các thôn, tổ dân phố khó khăn hơn sẽ thực hiện trong những năm tiếp theo. Theo đó, các chức danh không chuyên trách sẽ giảm từ số lượng hiện có xuống còn 7 - 9 chức danh, không tiến hành sát nhập ồ ạt, nóng vội mà theo lộ trình từng năm. Ðến nay các xã xây dựng xong đề án và được HÐND cấp xã thông qua, đưa vào Nghị quyết thực hiện. Hiện huyện đang rà soát để xây dựng đề án toàn huyện.

Xã Mường Nhà có 14 bản. Trong đó có 2 bản dưới 50 hộ; 12 thôn, bản, đội từ 50 đến dưới 100 hộ. 14 thôn, bản đều chưa đảm bảo điều kiện về quy mô số hộ gia đình theo quy định. Nhưng theo lãnh đạo UBND xã thì không thể sáp nhập nhiều hơn, vì nếu sáp nhập từ 3 - 4 thôn, bản sẽ có thôn, bản cách xa nhau từ 5 - 7km. Ông Lò Lâm Sung, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Ðịa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, một số bản xa trung tâm giao thông đi lại còn rất khó khăn nhất là vào mùa mưa như: bản Pha Thanh, Pha Lay, Hồi Hương, Khon Kén và bản Phì Cao. Ðịa vị pháp lý của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn bản chưa rõ ràng về: chế độ làm việc, nhiệm vụ, các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của họ…dẫn đến UBND xã rất khó đánh giá. Từ thực trạng cho thấy việc sắp xếp lại thôn, bản trên địa bàn xã là một yêu cầu rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động và giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách. Sau khi sắp xếp, sáp nhập giảm được 2 thôn bản; giảm được 2 bí thư chi bộ, 2 trưởng bản, 2 công an viên, 2 thôn đội trưởng, 2 trưởng ban công tác mặt trận, 2 chi hội trưởng chi hội nông dân, 2 bí thư chi đoàn thanh niên, 9 chi hội trưởng cựu chiến binh, 2 chi hội trưởng chi hội phụ nữ.

Như vậy, đến nay, cơ bản các xã đã xây dựng dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản để trình cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, để các đề án tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, cần xem xét, cân nhắc đầy đủ các yếu tố liên quan như: Ðiều kiện tự nhiên, hình thức tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, giao thông, phong tục tập quán, sinh hoạt… chứ không chỉ đặt nặng yếu tố quy mô hộ gia đình. Trước hết, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, bản cần nhận thức đúng, thông suốt về sự cần thiết của việc sắp xếp, sáp nhập trong tình hình hiện nay để từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top