Hỏi đáp BHXH

Ngừng đóng BHYT quá 3 tháng có được đóng nối tiếp không?

09:29 - Thứ Hai, 18/02/2019 Lượt xem: 10390 In bài viết

Hỏi: Thời đi học em đã đóng bảo hiểm y tế và có thời điểm đủ 5 năm liên tục từ năm 2017. Em ra trường năm 2016 và không còn đóng BHYT nữa. Giờ em mới xin đi làm ở công ty thì em có được tính đóng nối tiếp BHYT 5 năm tục không? Mức hưởng của em như thế nào? Ngọc Châu (TP. Ðiện Biên Phủ)

Trả lời: Thứ nhất, về việc nối tiếp thời hạn 5 năm liên tục Khoản 5 Ðiều 12 Nghị định 146/2018/NÐ-CP quy định như sau: “Ðiều 12. Thẻ bảo hiểm y tế:

5. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng.”

Theo đó, thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng.

Trong trường hợp này bạn đã ngừng đóng BHYT từ năm 2016, tới nay đã quá 3 tháng nên bạn sẽ không được tính đóng nối tiếp BHYT 5 năm liên tục. Công ty bạn sẽ phải tham gia BHYT cho bạn theo đối tượng mới và có thời hạn tham gia BHYT tính lại từ đầu chứ không được đóng nối tiếp với thẻ cũ.

Thứ hai, mức hưởng BHYT của đối tượng tham gia BHYT doanh nghiệp

Căn cứ Khoản 1 Ðiều 22 Luật bảo hiểm y tế  sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:

“Ðiều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế:

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

d) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác”.

Vì vậy, khi bạn đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến, bạn sẽ được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh.

Sinh con mà không có giấy chuyển viện có được hưởng bảo hiểm y tế?

Hỏi: Em tham gia BHYT và đăng ký khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố Ðiện Biên Phủ. Vậy nếu em sinh con tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Ðiện Biên mà không có giấy chuyển viện thì có được BHYT chi trả viện phí không? Tao Trang (Chương trình ACE)

Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Ðiều 22, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014  “Ðiều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế:

3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Ðiều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Ðiều này:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2016.”

Theo đó, trường hợp khi khám chữa bệnh trái tuyến thì vẫn có thể được hưởng chi phí của BHYT. Theo thông tin của bạn cung cấp, bạn đăng ký khám ban đầu tại Trung tâm Y tế thành phố Ðiện Biên Phủ và sinh con ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh Ðiện Biên mà không có giấy chuyển tuyến, tức trường hợp đi khám chữa bệnh trái tuyến. Với quy định nêu trên thì khi sinh con trái tuyến, bạn vẫn được hưởng 60% trên mức hưởng BHYT của mình.

Trần Minh Lợi

(BHXH tỉnh)

Bình luận
Back To Top