Cai nghiện ma túy

Khó đạt như mong muốn

08:24 - Thứ Tư, 20/02/2019 Lượt xem: 9185 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là 1 trong 13 tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước về tệ nạn ma túy. Tình hình người nghiện ma túy diễn biến phức tạp, số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, tỷ lệ người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động, là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên có chiều hướng tăng, sử dụng đa dạng các loại ma túy gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn và cai nghiện.

Toàn tỉnh có gần 9.200 người nghiện ma túy. Nhiều nhất là số người sử dụng hêrôin (gần 6.600 người, chiếm hơn 71%); người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp (hơn 1.400 người, chiếm trên 16%). Qua phân loại sử dụng ma túy của người nghiện cho thấy, sự thay đổi về loại ma túy sử dụng của người nghiện phản ánh khó khăn, phức tạp trong công tác điều trị nghiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp, ma túy đá do hiện chưa có phác đồ điều trị hiệu quả cho nhóm nghiện này.

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền công tác cai nghiện ma túy, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật Phòng chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính… trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên và học sinh. Ðể từ đó giúp cho các thành viên trong xã hội chủ động tham gia tích cực công tác phòng, chống ma túy. Phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội cũng như nâng cao hiệu quả cai nghiện, dạy nghề tại các trung tâm này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2018, đã tiếp nhận mới 739 người nghiện ma túy theo các hình thức cai nghiện. Trong đó, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho 182 người (53 người tự nguyện, 129 người bắt buộc) và 557 người nghiện được cai tại gia đình, cộng đồng. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh và huyện Ðiện Biên Ðông tiếp nhận mới và duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện cho 160 bệnh nhân.

Hàng năm số người được cai nghiện tương đối lớn, tuy nhiên, số người cai nghiện ma túy thành công còn rất… khiêm tốn. Thống kê từ các địa phương trong tỉnh cho thấy, đến cuối tháng 10/2018 mới có 53 người cai nghiện ma túy thành công. Trong đó, 16 người có thời gian không tái sử dụng ma túy từ 1 - 2 năm; 37 người có thời gian không tái sử dụng ma túy từ 3 năm trở lên. Nguyên nhân chủ yếu là quá trình điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cơ bản mới thực hiện được giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, sau đó bàn giao về gia đình và địa phương tiếp tục quản lý, chăm sóc, giáo dục và dạy nghề, tạo việc làm. Ðặc biệt, công tác quản lý sau cai nghiện chưa thực sự được quan tâm trong khi đây chính là yếu tố quan trọng để duy trì hiệu quả, tính bền vững của công tác cai nghiện. Ðiều quan trọng hơn nữa là sự nỗ lực, quyết tâm dứt bỏ ma túy của người nghiện và sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng.

Với mục tiêu đặt ra hàng năm 100% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; 100% người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát có mặt tại địa phương được tổ chức các hình thức cai nghiện phù hợp hoặc tham gia chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone; hạn chế mức thấp nhất việc phát sinh người nghiện mới. Công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị, địa phương để nâng cao hiệu quả cần được tăng cường từ khâu tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đến việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị công tác cai nghiện nhằm giảm thiểu tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Ða dạng hóa các hình thức điều trị theo hướng tăng dẫn số người điều trị tại cộng đồng và khuyến khích tự nguyện cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện. Kiên trì, xác định điều trị lâu dài, liên tục, tăng cường chất lượng cung cấp các dịch vụ, tư vấn, tạo việc làm, kết hợp giảm hại của sử dụng ma túy và dự phòng hạn chế lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy. 

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top