Bình yên Tả Phìn

08:38 - Thứ Năm, 21/02/2019 Lượt xem: 12820 In bài viết

ĐBP - Dưới cái nắng đầu mùa trên cao nguyên đá Tủa Chùa, chúng tôi nhằm thẳng hướng “cổng trời” Tả Phìn - một trong những xã thuộc diện khó khăn của huyện để “xông đất” đầu năm. Dù đã “lên dây cót” cho chuyến công tác từ mấy hôm trước, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ, choáng ngợp khi phải đối mặt với những khúc cua gấp men theo sống núi, lưng đèo…

 

Cuộc sống tuy còn vất vả nhưng tinh thần lạc quan vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt các thiếu nữ Mông cao nguyên đá Tả Phìn.

Trên hành trình đi tới, hình ảnh những ngôi nhà gỗ của người Mông quần tụ dưới chân núi, những làn khói bếp bay lên từ một vài nếp nhà, hòa quyện với núi non trùng điệp, khiến cho những ai dù chỉ một lần đi qua đều cảm nhận được cuộc sống người dân nơi đây thật yên bình. Ðâu đó, tiếng học sinh đùa vui ở một vài điểm bản gần con đường chúng tôi qua, làm tan đi sự lẻ loi trong mỗi người. Thi thoảng gặp những người Mông đi làm nương, chúng tôi lại dừng xe hỏi đường để an tâm là hành trình đã đúng hướng. Tuy có đôi chút bất đồng ngôn ngữ nhưng chỉ cần nói đến Tả Phìn là chúng tôi nhận được cái đưa tay chỉ hướng và nụ cười cởi mở, trọng tình, mến khách của người Mông nơi đây.

Ðón chúng tôi dưới một con dốc tuy không dài nhưng nghiêng nghiêng như chỉ muốn hất tung mọi thứ xuống vực, ông Cháng A Tằng, Phó Chủ tịch UBND xã nói như động viên: “Ðây là cô đi vào mùa khô đấy, nếu vào mùa mưa thì chắc giờ này cô chưa thể đến đây được đâu!...”. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Cháng A Tằng cho biết: Hiện toàn xã có 725 hộ, 3.668 nhân khẩu, sinh sống ở 10 thôn, bản. Tuy kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng nếu so sánh với thời điểm cách đây khoảng 5 năm thì cuộc sống hôm nay của người dân Tả Phìn đã có nhiều đổi thay.

Nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân chỉ dựa vào cây ngô, lúa nương, với lối canh tác du canh, du cư, chọc lỗ tra hạt, diện tích nhỏ hẹp, manh mún, cho năng suất thấp, thì nay bà con đã biết áp dụng những phương thức tiên tiến hơn trong sản xuất, chăn nuôi, khi mạnh dạn cải tạo, khai hoang phục hóa, tạo ruộng bậc thang gieo cấy lúa nước và trồng đậu tương với tổng diện tích gieo trồng hàng trăm héc ta. Cùng với đó, người dân còn mạnh dạn làm chuồng trại chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, với số lượng tổng đàn trên 17.000 con. Kinh tế xã đã dần chuyển dịch theo hướng đa dạng hơn, năng suất, sản lượng lương thực bình trên 486kg/người/năm (năm 2018). Người dân ở Tả Phìn đã dần thoát khỏi nghèo khó, không còn thiếu đói trong những tháng giáp hạt. Hình ảnh con ngựa thồ nông sản, hàng hóa ngược dốc nay đã thay đổi bằng phương tiện xe máy, giúp bà con chủ động thời gian và giải phóng sức lao động. Công tác y tế được triển khai tốt tại địa bàn đã nâng cao ý thức chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho nhân dân, giúp người dân bỏ được nhiều hủ tục. Cái lý “đẻ nhiều con để có người phát rẫy làm nương”, “bệnh tật, ốm đau là do ma rừng” đã không còn nữa. Ðiều đặc biệt hơn, các bản, cụm bản đều có điểm trường mầm non, tiểu học; các em không còn phải đi bộ nửa ngày đường đến trường tìm con chữ như trước đây.

Cũng theo ông Cháng A Tằng, để có được sự phát triển như ngày hôm nay, phần lớn là nhờ vào những chương trình, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đã quan tâm, định hướng; các chương trình trọng điểm như 135, 167, Nghị quyết 30a... tạo tiền đề giúp kinh tế xã có những bước chuyển mình, phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong xã.

Ðến nay, xã không còn nằm trong danh sách xã đạt dưới 5 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tả Phìn cơ bản thoát khỏi tiêu chí xã “4 không” khi đã có điện, đường, trường, trạm y tế. Công trình điện lưới nông thôn dẫn điện về bản đã đưa văn minh đến với người dân.

Nói như vậy không có nghĩa là người dân Tả Phìn đã hết khó khăn, nhất là đối với nước sản xuất nông nghiệp. Mặc dù trong những năm qua Tả Phìn được đầu tư các hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng do địa bàn ở trên cao, nguồn nước khan hiếm, phần lớn vẫn dựa vào “giếng trời” nên việc tăng gia sản xuất còn gặp nhiều trở ngại và thách thức. Nhưng với sự kiên trì, cần cù chịu khó của người Mông ở Tả Phìn, sự quyết tâm nội lực của chính quyền địa phương, sự khát vọng về một tương lai tươi sáng, tin rằng Tả Phìn sẽ ngày một phát triển, bình yên, ấm no, đủ đầy hơn.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top