TP. Ðiện Biên Phủ

Ðẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

10:19 - Thứ Sáu, 22/02/2019 Lượt xem: 11079 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, các cấp ủy đảng và chính quyền TP. Ðiện Biên Phủ đã đưa mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo vào nghị quyết và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch với các hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Từ khi Nghị quyết đi vào cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm bình quân 0,5%/năm, cụ thể năm 2017 toàn thành phố còn 137 hộ nghèo, tỷ lệ 0,95%; đến hết năm 2018 còn hơn 50 hộ nghèo, tỷ lệ 0,38%; khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa các xã, phường dần được thu hẹp. Ðể làm được điều đó HÐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HÐND ngày 7/4/2016 về việc thông qua kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020; UBND thành phố ban hành Quyết định số 1165/QÐ-UBND ngày 12/11/2015 về việc thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo giai đoạn 2015-2020; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo; hàng năm, căn cứ mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của HÐND, UBND thành phố xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, phường; tổng hợp, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo, đề ra các giải pháp hỗ trợ tích cực qua đó thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo đề ra.

Các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo có thể kể đến như cho vay tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với thời hạn cho vay tối đa là 5 năm, các mức lãi suất ưu đãi cho từng đối tượng. Trong đó cho vay hộ nghèo dư nợ hơn 5 tỷ đồng với hơn 400 hộ còn dư nợ; dư nợ hộ cận nghèo gần 5 tỷ đồng với hơn 500 hộ còn dư nợ; dư nợ hộ mới thoát nghèo hơn 1,2 tỷ đồng với hơn 50 hộ còn dư nợ; vay giải quyết việc làm dư nợ trên 41 tỷ đồng với gần 1.400 hộ còn dư nợ. Ngoài ra các hộ nghèo còn được hỗ trợ về nhà ở, theo đó từ 2016 đến nay có 13 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở, với tổng số tiền 325 triệu đồng. Cùng với đó từ năm 2014 đến nay thành phố đã tiếp nhận, triển khai làm nhà mới và sửa chữa nhà ở cho 65 hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi cô đơn với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng (nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Quỹ Ngày vì người nghèo thành phố, huy động từ các chi đảng bộ trực thuộc Ðảng bộ thành phố, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm...).

Mặc dù thương mại, dịch vụ đang ngày càng phát triển nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Vì vậy các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn được chú trọng triển khai, như: Hỗ trợ giống nông nghiệp, trồng cây phân tán, tiêm phòng dịch chăn nuôi, mô hình nuôi bò sinh sản. Từ năm 2014 - 2018, Hội Nông dân thành phố tổ chức hơn 50 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 5.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân; cấp trên 8.000 con gà giống; hỗ trợ ghép mắt nhãn chín muộn cho nhiều hộ nghèo thuộc xã Tà Lèng và phường Mường Thanh; triển khai mô hình ứng dụng công nghệ lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gia cầm cho các hộ chăn nuôi thuộc phường Mường Thanh… Ðể giảm nghèo bền vững, việc chuyển đổi ngành nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn là không thể xem nhẹ. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: Từ khi thực hiện Nghị quyết, có hơn 2.000 người trên địa bàn theo học các lớp đào tạo nghề về điện, hàn, chăn nuôi, trồng rừng, chăm sóc và phòng trị bệnh cho gia súc/gia cầm, trồng và chăm sóc cây mắc ca, cây cao su, cắt may, sữa chữa xe máy/ô tô, lái máy xúc, nghiệp vụ nhà hàng. Tỷ lệ có việc làm, tự tạo được việc làm sau đào tạo là trên 70%.

Không chỉ các nội dung trên mà người nghèo được quan tâm về mọi mặt. UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, thụ hưởng văn hóa, thông tin… và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đảm bảo dân sinh ở khu vực các xã, bản. Từ đó giúp người nghèo ổn định cuộc sống, có điều kiện, động lực thoát nghèo bền vững, mục tiêu năm 2019 hộ nghèo giảm còn 0,33%.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top