Vững bước nơi địa đầu Tổ quốc

09:03 - Thứ Năm, 28/02/2019 Lượt xem: 12689 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người dân, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, huyện Mường Nhé đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng khâu tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tới nhân dân. Ðặc biệt, tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí, quyết tâm vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo, những đối tượng được thụ hưởng chính sách để đảm bảo tính bền vững của chương trình. Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đối tượng hỗ trợ lớn trong khi ngân sách hỗ trợ hạn hẹp, chủ yếu là do số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa; bà con vẫn nặng tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước. Cùng với đó là việc thiếu đất sản xuất, phương tiện kỹ thuật, lao động không có việc làm...

 

Ðường giao thông nông thôn và cổng bản văn hóa Trạm Púng (xã Quảng Lâm) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Xác định mục tiêu tiên quyết là giúp người dân thoát nghèo nhưng phải thoát nghèo bền vững, những năm qua huyện Mường Nhé đã tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135/CP; Chương trình xây dựng nông thôn mới...  Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ, huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp… Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn 11/11 xã triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn làm cơ sở để UBND các xã tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu của người dân; tổ chức thẩm định và phê duyệt 26 dự án hỗ trợ sản xuất (11 dự án thuộc Chương trình 135; 15 dự án thuộc Nghị quyết 30a...).

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng. Ðồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn để dần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đồ án quy hoạch; góp phần nâng số tiêu chí tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 7,6 tiêu chí/xã, tăng 1,2 tiêu chí/xã so với năm 2017. Ðiển hình như các xã: Sín Thầu; Mường Nhé...

Ðặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, huyện Mường Nhé đã tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề; xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị gắn với đào tạo và giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Trong năm 2018, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 955 lao động; xuất khẩu 10 lao động ra thị trường nước ngoài (Ả rập xê út: 7 người, Hàn Quốc: 2 người, Nhật Bản: 1 người...). Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp để người dân có thể sống bằng nghề rừng và sản phẩm khai thác từ rừng thông qua công tác khoán, bảo vệ rừng. Trong năm, huyện đã tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ trồng rừng sản xuất năm thứ 2 với tổng số tiền hơn 471,5 triệu đồng; hỗ trợ gạo cho 283 hộ nghèo tham gia trồng rừng; góp phần duy trì diện tích rừng hiện có 71.820,5ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 45,8%. Ðể tiếp thêm động lực cho hộ nghèo có thêm tư liệu, nguồn vốn sản xuất, huyện đã đẩy mạnh việc cho vay đầu tư, sản xuất kinh doanh, hỗ trợ lãi suất, đảm bảo tín dụng đối với các đối tượng hộ nghèo; đáp ứng nhu cầu thanh toán của các tổ chức, cá nhân...

Mường Nhé là xã trung tâm của huyện, nhưng có xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; do vậy để công tác xóa đói giảm nghèo đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương; tạo bước “đột phá” với những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế hộ. Ông Sùng Páo Ly, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé chia sẻ: Trước đây, bà con chủ yếu canh tác trên đất dốc, cuộc sống trông vào đồng ruộng, nương ngô với kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp; hệ thống hạ tầng cơ sở, các công trình thủy lợi chưa đáp ứng sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Ðảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, như: Chương trình 135; Nghị quyết 30a; Ðề án 79... xã đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế điểm, như: Trồng nấm, sản xuất rau an toàn... Với sự đồng lòng góp sức của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn hơn 40% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Hiện xã đã đạt 13/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top