Thực hiện chính sách dân số

Cần sự chung tay của cộng đồng

08:42 - Thứ Sáu, 01/03/2019 Lượt xem: 11338 In bài viết

ĐBP - Thực hiện công tác dân số trong tình hình mới với “kim chỉ nam” là Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, những năm qua tỉnh ta đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, đưa chính sách dân số đến gần hơn với người dân. Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, 80% đồng bào dân tộc thiểu số với tổng tỷ suất sinh cao (2,69 con), chưa đạt mức sinh thay thế (2,1 con), do vậy cùng với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, tỉnh ta đã và đang tập trung thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sinh.

Ðiểm nổi bật của Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Cùng với thực hiện mục tiêu chung của Nghị quyết 21, tỉnh ta tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh tiến tới duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bổ dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.

Ðể giảm tỷ suất sinh, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm gắn liền với thực tiễn đời sống nhân dân. Trong đó, tập trung đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số. Lồng ghép các mục tiêu dân số và phát triển vào nội dung, chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương; triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông vận động với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, nhất là các khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành về dân số - sức khoẻ sinh sản (SKSS). Ðẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nêu cao vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội. Giai đoạn 2006 - 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 580 cuộc tọa đàm, mít tinh cổ động, xuống đường tuyên truyền về công tác dân số - SKSS; truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ được 170.860 buổi; 960.180 buổi thăm hộ gia đình; in và cấp phát gần 130.865 tờ rơi, sách mỏng... Ðồng thời, thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, qua: Tờ rơi, loa phát thanh, nói chuyện trực tiếp… hệ thống dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức cung cấp các phương tiện tránh thai hiện đại kịp thời, đầy đủ đến đối tượng có nhu cầu sử dụng (số cặp vợ chồng mới áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì khoảng 25 nghìn người/năm; ước đạt 57,2% năm 2018). Cùng với đó, dịch vụ chăm sóc SKSS/kế hoạch hóa gia đình đã được mở rộng và nâng cao, hiện nay toàn tỉnh có 96,9% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện được các dịch vụ chăm sóc SKSS thường xuyên.

Cùng với thực hiện mục tiêu giảm sinh, vấn đề nâng cao chất lượng dân số luôn được tỉnh quan tâm thực hiện, triển khai thí điểm các mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số, gồm: Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân/SKSS vị thành niên/thanh niên; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (triển khai từ năm 2011 tại 6 xã của 2 huyện: Ðiện Biên Ðông và Mường Chà); mô hình can thiệp giảm tình trạng tan máu bẩm sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Ðặc biệt, Ðề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh với xuất phát điểm tại 20 xã của 4 huyện, thị, thành phố thì đến năm 2017 đã mở rộng tới 43/130 xã thuộc 8 huyện, thị, thành phố. Việc thực hiện các mô hình, đề án từng bước cải thiện tình trạng sức khỏe cho người dân nói chung, giảm tỷ lệ bệnh tật cho nam nữ thanh niên và bà mẹ trẻ em nói riêng. Các chỉ số sức khỏe của người dân được cải thiện. Năm 2018, tỷ lệ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 19,2%; số cặp vợ chồng tảo hôn giảm còn 27,2%; tỷ lệ số cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống giảm còn 0,3%; tuổi thọ bình quân của tỉnh tăng từ 64,4 tuổi (năm 2004) lên 67,6 tuổi (năm 2017).

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, để hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí về công tác dân số trong tình hình mới, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị; nhất là khơi dậy ý thức tự giác, nhận thức đúng đắn về chính sách dân số của người dân. Có như vậy, mới mong nâng cao chất lượng giống nòi, nguồn nhân lực địa phương; phục vụ đắc lực công cuộc kiến thiết, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top