Chính sách & Cuộc sống

Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết

14:54 - Thứ Sáu, 01/03/2019 Lượt xem: 11333 In bài viết

Thời gian qua, Việt Nam đã có những nguồn lực, hành động cụ thể và quyết tâm giảm đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để đạt được mục tiêu như mong muốn thì còn khá gian nan.

Theo báo cáo của Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), những năm gần đây, tình trạng tảo hôn nhìn chung có giảm trên quy mô toàn quốc, nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến ở vùng nông thôn miền núi, nơi có đông đồng bào các DTTS sinh sống. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2015, tỷ lệ tảo hôn chung là 26,6%. Các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao là: Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Bru - Vân Kiều. Xét theo địa bàn cư trú, vùng Tây Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác. Phụ nữ có xu hướng kết hôn sớm hơn. Ở nhóm tuổi dưới 15 và dưới 18, tỷ lệ tảo hôn ở nữ cao hơn gần gấp ba lần so với nam. Tình trạng kết hôn cận huyết thống tuy giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở một số dân tộc trong vùng DTTS, phổ biến là tình trạng kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác. Theo kết quả khảo sát và báo cáo của các địa phương cho thấy, một số dân tộc như: Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Pu Péo, Mông, Rơ Măm, Brâu... có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống chiếm 10%.

Hậu quả nặng nề của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm nòi giống và chất lượng nguồn nhân lực. Đây là một trong những lực cản của phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và sự phát triển bền vững của vùng DTTS. Đồng thời, là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Trước thực trạng nêu trên, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025". Mục tiêu là giảm bình quân từ 2 đến 3%/năm số cặp tảo hôn và từ 3 đến 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn DTTS có tỷ lệ cao. Đến năm 2025, cơ bản hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS. Một trong những giải pháp là triển khai xây dựng mô hình can thiệp đối với một số DTTS ở khu vực miền núi phía bắc, duyên hải miền trung, Tây Nguyên, nơi có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Năm 2016, Ủy ban Dân tộc lựa chọn 15 tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao nhằm xây dựng mô hình điểm. Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào DTTS được tuyên truyền sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dần dẹp bỏ. Sau ba năm triển khai, trên địa bàn một số xã, tình trạng tảo hôn không xảy ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, tại nhiều vùng khác, thực trạng nêu trên vẫn diễn ra do phong tục, tập quán của một số nhóm DTTS còn lạc hậu, điều kiện kinh tế khó khăn, chậm phát triển. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa mạnh mẽ, thiếu quyết liệt.

Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này, Chính phủ và Quốc hội cần bố trí đủ ngân sách nhằm thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hiện hành về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vùng DTTS. Ưu tiên đầu tư, bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với những khu vực có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, nhằm tạo điều kiện giúp đồng bào DTTS tăng cường khả năng tiếp cận, mở rộng giao thương, giao lưu với cộng đồng, góp phần giảm đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Về phía Ủy ban Dân tộc, cần nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu truyền thông phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc; tập trung đào tạo đội ngũ báo cáo viên cấp cơ sở, đặc biệt hướng tới các đối tượng học sinh THCS, THPT...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top