Tạo cơ hội cho phụ nữ vươn lên

14:37 - Thứ Sáu, 08/03/2019 Lượt xem: 12074 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh ta ngày càng được nhân rộng bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, có hiệu quả. Với nghị lực vượt khó cùng sự giúp đỡ của các chị em, tổ chức hội, nhiều phụ nữ cùng gia đình đã khởi nghiệp thành công, tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng bản làng, quê hương.

 

Mô hình tài chính tự quản của phụ nữ bản Na Hý, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) tổ chức sinh hoạt, tiết kiệm định kỳ hàng tháng. Ảnh: N.H

Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đề xuất với Trung ương Hội LHPN và Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Dự án Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật (đối tượng phụ nữ và trẻ em gái) tại 3 xã: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) với kinh phí 135 triệu đồng. Tại xã Chà Nưa, 6 hộ gia đình có phụ nữ khuyết tật được hỗ trợ. Tháng 10/2018, theo nhu cầu gia đình và đánh giá thực tế chăn nuôi địa phương, các hộ đều có chung đề nghị hỗ trợ giống lợn nái để tăng đàn lợn thương phẩm. Với số tiền hỗ trợ 7,5 triệu/gia đình, mỗi hộ mua được 2 - 3 con lợn nái, đến nay lợn đều khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, phần lớn đã tăng đàn, đẻ lứa mới. Gia đình chị Ðiêu Thị Sưởng là hộ nghèo bản Nà Sự 2, vừa nuôi mẹ già, con gái út lại không may bị khuyết tật bẩm sinh nên cuộc sống càng vất vả, không có vốn phát triển kinh tế. Thông qua tổ chức hội phụ nữ, gia đình chị được hỗ trợ theo Dự án trên với 2 con lợn nái giống địa phương do chính gia đình tự lựa chọn. Chị Sưởng cho biết: 2 con lợn này là tài sản tương đối lớn và quan trọng đối với gia đình tôi. Trong đợt tết vừa rồi, 1 con lợn nái đã đẻ lứa đầu được 6 lợn con, con còn lại đang chửa, chỉ vài tuần nữa thôi là có thêm đàn lợn. Ðầu năm nay có thật nhiều niềm vui, chúng tôi hy vọng chăn nuôi thuận lợi, lợn tăng đàn, lớn nhanh để gia đình có cơ hội thoát nghèo.

Không chỉ kết nối, huy động nguồn lực tại cộng đồng giúp đỡ phụ nữ nghèo về ngày công, con giống, cây giống, Hội LHPN tỉnh còn chú trọng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với nhiều hoạt động cụ thể: Giới thiệu và hỗ trợ khởi nghiệp cho 25 nữ doanh nhân, nữ chủ cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các câu lạc bộ phụ nữ kinh doanh giỏi, nữ doanh nhân; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chuyển đổi, mở rộng ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, du lịch; duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, mô hình tổ, nhóm liên kết sản xuất phát triển kinh tế… Năm 2018 đã xây dựng mới 2 mô hình: trồng bí xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) và sản xuất nông sản an toàn tại xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ). Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập nhóm, tập huấn về an toàn thực phẩm, kỹ thuật chăm sóc và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Một vài năm trở lại đây, Hội LHPN tỉnh thường xuyên kết nối với Công ty TNHH Thực phẩm Safegreen tham gia chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các mô hình, tổ liên kết. Hiện tại Safegreen đang thu mua sản phẩm cho tổ phụ nữ liên kết làm khẩu xén ở TX. Mường Lay, bí xanh xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông); ký hợp đồng trồng ớt an toàn với 5 hộ tại nhóm liên kết trồng rau an toàn bản Co Sản, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng)… Sự quan tâm này giúp cho chị em tham gia các mô hình thêm yên tâm, có nhiều động lực xây dựng mô hình, tổ nhóm ngày càng phát triển.

Cùng với những sự giúp đỡ đó là khai thác có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ từ nhiều kênh khác nhau, như vốn ủy thác, vốn giải quyết việc làm, vốn quỹ quay vòng Hội. Tổng số vốn vay Hội LHPN tỉnh quản lý thống kê đến 30/11/2018 là trên 680 tỷ đồng với 547 tổ, 19.625 thành viên vay phát triển kinh tế. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp (0,19%). Ngoài các nguồn vốn này thì các cấp hội tích cực vận động hội viên tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, ngày công; tiết kiệm, tạo nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo. Trong năm, toàn tỉnh thành lập mới được 50 nhóm cổ phần tài chính tự quản - một hình thức đóng góp tiết kiệm theo khả năng, rồi cho vay theo nhu cầu tại hội phụ nữ các nhóm dân cư, thôn, bản. Từ đó nâng tổng số nhóm cổ phần tài chính tự quản lên 195 nhóm với 4.875 thành viên tại 8/10 huyện, thị, thành phố, tổng số tiền tiết kiệm trên 5,5 tỷ đồng, giúp trên 2.000 phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2018, trong tỉnh ta có khoảng 300 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Với nhiều hoạt động sẻ chia, giúp đỡ đã và đang được các cấp hội phụ nữ triển khai, chị em trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chị em ở vùng sâu vùng xa không chỉ có thêm nhiều cơ hội thoát nghèo mà còn được truyền cảm hứng và động lực vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top