Gian nan đường lên Tả Ló San

09:20 - Thứ Năm, 14/03/2019 Lượt xem: 11289 In bài viết

ĐBP - Ban đầu khi nghe chúng tôi nói muốn tới bản Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé), các cán bộ chỉ huy ở Ðồn Biên phòng Sen Thượng đều lắc đầu và nói: “Ðường đi khó khăn, vất vả lắm, nhất là nhà báo nữ khó mà đi được tới bản”. Nhưng khi thấy chúng tôi quyết tâm đi bằng được, Thiếu tá Vũ Văn Tiếp, Chính trị viên của đồn đã cử hai chiến sĩ trực tiếp đưa chúng tôi đi. Ðể yên tâm hơn, hai cán bộ xã Sen Thượng đã quen đường tới bản cũng cùng hộ tống chúng tôi. Vậy là trên những chiếc xe máy đã được quấn thêm lớp “gioăng cao su” vào lốp của cán bộ đồn, chúng tôi được trải nghiệm con đường “huyền thoại” lên bản Tả Ló San dài hơn 30km, tính từ trung tâm xã Sen Thượng. Mất nửa ngày, đoàn chúng tôi mới đến được bản. Nhưng đấy là vào mùa khô ráo; còn nếu vào mùa mưa, thì không biết phải mất bao lâu mới tới được Tả Ló San...

 

Một góc bản Tả Ló San.

Những con đường không tưởng

Rời trung tâm xã Sen Thượng khoảng 2km, chúng tôi bắt đầu men theo những con đường mòn khúc khuỷu, nhiều đất đá lởm chởm, quanh co giữa núi đồi; nhiều đoạn dốc đứng cheo leo, vực thẳm; có đoạn lại băng qua suối rồi xuyên qua nhiều cánh rừng già. Những con đường mòn đó không phải là đường, mà chỉ bằng kinh nghiệm, trí nhớ của những người đã từng tới bản dẫn đi. Trung úy Lý Gió Cà, chiến sĩ Ðội vận động quần chúng đi cùng chúng tôi, chia sẻ: “Trước đây đường đi Tả Ló San còn khó khăn hơn bây giờ. Ðể đi vào bản, chúng tôi phải lần đường dọc theo bờ suối, vừa đi vừa cầm dao phát cỏ, tìm những vết tích đánh dấu của dân bản để bám theo. Khu vực này giáp biên giới Trung Quốc. Tôi nhớ lần ấy, chúng tôi mất 2 ngày mới tới được bản Tả Ló San. Giờ đây đã có đường mòn nhìn rõ như thế này là tốt lắm rồi!”.

Và chỉ vài phút leo lên những dốc cao rồi đổ đèo xuống lòng thung, chiếc xe chúng tôi lao theo con đường nhỏ rộng khoảng 1m, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, khiến ai cũng phải thót tim. “Nhà báo cứ yên tâm, những con đường thế này tôi đã đi nhiều năm nên tay lái rất chắc” - Trung úy Lý Gió Cà động viên chúng tôi.

Do ảnh hưởng của những trận mưa trước đây nên con đường vào bản Tả Ló San khá nhiều đoạn sạt lở, đất đá tràn ngập lối đi; một số đoạn phải lội suối Tả Ló, nước cao ngang đầu gối, khiến đoàn chúng tôi di chuyển khó khăn hơn. Cứ đi khoảng 30 phút, chúng tôi lại nghỉ dọc đường, để các “tài xế” tranh thủ uống ngụm nước rồi lại tiếp tục hành trình.

Không chỉ xa xôi, đường đến Tả Ló San còn nguy hiểm cho người đi lại. Không ít lần chúng tôi ngã xe giữa đường, rồi một chiếc xe bị cháy phanh sau, khiến cho việc di chuyển càng trở nên nguy hiểm hơn. Chị Lò Khai Nụ, Bí thư Ðoàn xã Sen Thượng đi cùng cho biết: “Ðường đi bản Tả Ló San rất nguy hiểm lại vắng người nên mọi người thường đợi nhau thành tốp để ra, vào bản chứ không đi riêng lẻ. Bởi nếu không may ngã xuống vực hoặc gặp thú rừng thì phải đông người mới ứng cứu kịp”.

Gần đến bản Tả Ló San thì những cánh rừng già, rừng nguyên sinh cũng hiện hữu trước mắt. Theo chia sẻ của các thành viên trong đoàn, nhìn thấy rừng rậm là sắp tới bản Tả Ló San, nhưng để xuyên qua những cánh rừng cũng là điều không đơn giản. Nếu như trước kia người đi băng rừng dễ gặp các loại thú đi kiếm ăn, thì nay hiếm gặp hơn, nhưng các loại rắn thì có khá nhiều.

Khi mặt trời lên giữa đỉnh đầu, bản Tả Ló San mới lộ diện sau cánh rừng với những ngôi nhà mái tôn đỏ. Nụ cười tươi của bà con dân tộc Hà Nhì với những cái vẫy tay chào thiện cảm khiến chúng tôi quên đi bao mệt nhọc, khó khăn của quãng đường. Trưởng bản Tả Ló San Lỳ Khò Chừ bắt tay thân mật với chúng tôi rồi nói: “Ðường xa thế các cán bộ vào được tới bản thăm bà con là quý lắm rồi, dân bản chúng tôi thấp thỏm mong cán bộ từ sáng!”.

Khao khát một con đường

Vượt qua con đường “huyền thoại” vào đến bản Tả Ló San, chúng tôi mới chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây với bao khó khăn, vất vả. Mặc dù nhận được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp, nhưng do đường sá chưa thuận tiện, điện lưới quốc gia chưa có nên đời sống của bà con vẫn còn hạn chế. Người dân tự lực cánh sinh phát triển trồng trọt, chăn nuôi để cung cấp cho nhu cầu trong bản. Nhưng việc giao thương, buôn bán nông sản từ bản ra ngoài là không thể nên đời sống của bà con vẫn chưa phát triển.

Theo chia sẻ của trưởng bản Lỳ Khò Chừ: Dân bản mỗi lần ra trung tâm xã, phải thức dậy từ tờ mờ sáng, đi bộ 6 tiếng đồng hồ mới đến nơi, tranh thủ xong việc nhanh chóng về, thì nửa đêm mới đến bản. Ðấy là mùa khô, còn vào mùa mưa, nước suối Tả Ló dâng cao và đường mòn ngập bùn đất thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhiều ngày.

“Từ khi thành lập bản đến nay (năm 1998), khó khăn nhất của bản vẫn là con đường cách biệt với trung tâm xã và các bản khác. Cũng do chưa có đường đảm bảo nên đời sống bà con còn thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là chưa có điện lưới quốc gia nên người dân ít được xem truyền hình. Chính vì thế, người dân mong mỏi có một con đường, để cuộc sống được mở mang và dân trí phát triển hơn.

Buổi chiều, khi chia tay chúng tôi, bà con dân bản vẫn còn lưu luyến, bịn rịn. Thấy trời nhá nhem tối, chúng tôi biết con đường từ bản Tả Ló San về trung tâm xã còn nhiều gian nan. Nhưng một lần dám đi mới thấu hiểu được người dân Hà Nhì ở Tả Ló San chịu khó bám trụ vùng đất biên viễn xa xôi đến nhường nào. Ðược biết, Tả Ló San vẫn chưa phải là bản xa nhất của xã Sen Thượng, mà hai bản: Pa Ma và Lò San Chái còn cách trung tâm xã gần 40km. Cán bộ xã Sen Thượng nói với chúng tôi, dự án làm đường đi Tả Ló San và các bản khó khăn khác đã được chính quyền các cấp nghiên cứu và sẽ sớm triển khai. Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, bản Tả Ló San và các bản khác trong xã Sen Thượng sẽ có được con đường đi đúng nghĩa, để bà con dân tộc trong bản có điều kiện mở mang dân trí, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top