Giảm thiểu vấn nạn tảo hôn ở Mường Nhé

Vẫn còn nhiều thách thức

09:15 - Thứ Năm, 21/03/2019 Lượt xem: 11117 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, mặc dù chính quyền các cấp huyện Mường Nhé đã có sự vào cuộc quyết liệt, nhưng vấn nạn tảo hôn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn có chiều hướng gia tăng; đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ðiều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản của công cuộc xóa đói giảm nghèo.

 

Cán bộ Dân số - KHHGÐ huyện Mường Nhé tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy lùi hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Huổi Lếch là xã có tỷ lệ tảo hôn đứng tốp đầu của huyện; năm 2018, có 16 trường hợp tảo hôn. Ðộ tuổi tảo hôn chủ yếu là 15 - 16, thậm chí nhiều em mới 13 - 14 đã làm mẹ. Cùng cán bộ dân số, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Sùng Thị Dua (sinh năm 2003), bản Nậm Pan 2, xã Huổi Lếch, lấy chồng năm 2018 khi vừa tròn 15 tuổi. Hiện tại Dua đã là mẹ của 1 con. Vì kết hôn sớm, lại sinh con ngay khi tuổi đời còn trẻ nên trông Dua rất yếu ớt, gầy rộc. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng cũng chỉ làm ruộng nương kiếm ăn từng bữa, nên luôn trong cảnh túng thiếu. Khi được hỏi về tương lai, Dua bảo: Cuộc sống gia đình cứ mãi quẩn quanh với đói nghèo... cháu chỉ mong có thêm hộp sữa, bộ quần áo mới cho con. Chứ kinh tế gia đình khó khăn chỉ trông vào ít đất nương, biết bao giờ mới hết cảnh đói nghèo, chạy ăn từng bữa.

Chang Chang Mý (sinh năm 2004), bản Nậm Vì, xã Chung Chải cũng lấy chồng khi vừa tròn 14 tuổi mà không có đăng ký kết hôn. Vợ chồng Mý chỉ là một trong số 10 trường hợp tảo hôn trên địa bàn xã trong năm 2018. Thực trạng này không chỉ là lỗi của gia đình mà còn phản ánh thực tế: Thiếu sự quan tâm, tuyên truyền hiệu quả; xử lý thiếu quyết liệt, chưa triệt để của chính quyền về vấn đề tảo hôn, không thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy ở cơ sở. Ông Lỳ Ðồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: Mặc dù xã đã chỉ đạo các ban chuyên môn vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền; áp dụng các hình thức xử phạt... nhưng do phong tục tập quán, lối sống của bà con nên ảnh hưởng rất lớn đến việc đẩy lùi vấn nạn tảo hôn. Ðặc biệt, do nhận thức hạn chế, nhiều trường hợp được tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm vì tảo hôn lại tìm đến lá ngón để tự tử.

Năm 2018 trên địa bàn huyện Mường Nhé có 549 người kết hôn, thì 142 người tảo hôn (chiếm 25,9%); số người tảo hôn đứng sau 2 huyện là Nậm Pồ (238 người); Tủa Chùa (175 người). Ða phần các cặp tảo hôn ở độ tuổi từ 15 - 17. Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, ông Hảng A Tồng, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện Mường Nhé cho rằng: Người dân, đặc biệt là bà con sinh sống ở các bản vùng cao, biên giới có vô vàn lý do để biện minh cho tình trạng tảo hôn. Thậm chí có cha mẹ ép con lấy chồng sớm, nhưng khi cán bộ dân số hỏi lại tìm đủ lý do biện minh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Lý do chính dẫn đến thực trạng trên vẫn là quan niệm lạc hậu đã ăn sâu vào đời sống người dân; ảnh hưởng và chi phối đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thêm nữa là trình độ dân trí chưa cao, trẻ em gái vẫn mang nặng tư tưởng, lối sống cam chịu nên việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các xã: Mường Toong, Pá Mỳ, Mường Nhé...

Việc gia tăng nạn tảo hôn đã gây ra những hệ lụy khôn lường cho bà mẹ và trẻ em. Mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi; là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh và sơ sinh, trẻ đẻ ra bị nhẹ cân, dị tật. Ðặc biệt, nhiều trường hợp khi lấy nhau quá trẻ, kinh tế bấp bênh, nghèo khó dẫn tới mâu thuẫn, xích mích, đánh đập... để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Ðể giải bài toán về vấn nạn tảo hôn, nhiều giải pháp căn cơ đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành dân số từ huyện đến cơ sở phân tích. Ðặc biệt, huyện Mường Nhé đã tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền trúng và đúng đối tượng, vùng trọng điểm, chú trọng vào mặt trái, hệ luỵ; phát huy vai trò hạt nhân của già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín nhằm đưa Pháp lệnh Dân số đến gần hơn với bà con. Năm 2018, Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện đã tuyên truyền tập trung ở các xã trọng điểm, như: Mường Toong; Mường Nhé; Pá Mỳ... thu hút gần 10 nghìn người tham gia. Tổ chức sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao để tổ chức tuyên truyền, có dẫn chứng cụ thể để người dân được mắt thấy tai nghe về hậu quả của nạn tảo hôn; tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, ông Hảng A Tồng khẳng định: Ðối với Mường Nhé việc đẩy lùi vấn nạn tảo hôn không phải là việc làm một sớm một chiều và đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, đảng viên cấp cơ sở. Ðặc biệt, cần khơi dậy tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bà con chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền ngăn chặn vấn nạn tảo hôn ra khỏi cộng đồng. Có như vậy, mới mong đẩy lùi được đói nghèo, bệnh tật; xây dựng cuộc sống văn hóa, ấm no, đủ đầy hơn.


Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top