Phát huy vai trò tổ hòa giải ở cơ sở

09:20 - Thứ Sáu, 22/03/2019 Lượt xem: 11523 In bài viết

ĐBP - Trong đời sống hàng ngày, những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh nếu không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến hậu quả phức tạp, nhất là khi nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Ðiện Biên quan tâm, nhằm giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự.

Thanh Xương là một trong những xã thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở trong những năm qua. Theo thống kê, hiện nay toàn xã có 26 tổ hòa giải và 208 hòa giải viên. Sau 4 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã thực hiện hòa giải 12 vụ mâu thuẫn trong nhân dân; trong đó hòa giải thành công 8 vụ. Các mâu thuẫn chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, hôn nhân gia đình. Ðiển hình là đầu năm 2018 gia đình ông Lò Văn Phanh và gia đình ông Tòng Văn Lẻ, đều trú tại đội 4a, xã Thanh Xương đã xảy ra tranh chấp đất đai. Không thống nhất được quan điểm, mâu thuẫn giữa hai bên gia đình đã xảy ra. Trước tình hình đó, tổ hòa giải xã Thanh Xương đã phối hợp với Ban công tác Mặt trận xã, bản, tổ liên gia và những người có uy tín tìm hiểu tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của 2 gia đình, phân tích rõ đúng - sai sự việc. Sau gần 1 tuần tuyên truyền, giải thích, thực hiện hòa giải, 2 gia đình đã thỏa thuận được với nhau, “bắt tay” thống nhất giữ nguyên vị trí tranh chấp là rãnh nước để làm rãnh thoát nước cho cả 2 gia đình.

Ðây chỉ là một trong nhiều vụ hòa giải thành công trên địa bàn xã Thanh Xương nói riêng và toàn huyện nói chung, góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay tại cơ sở, gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư. Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ðiện Biên, cho biết: Thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở luôn được quan tâm thực hiện. Hiện nay, huyện Ðiện Biên có 465 tổ hòa giải cơ sở, với gần 3.000 hòa giải viên. Tính từ năm 2018 đến tháng 3/2019, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận và giải quyết 176 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành công 127 vụ, không thành công 41 vụ, còn lại là các vụ đang hòa giải. Những vụ hòa giải thành công đã “hóa giải” được các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ cộng đồng. Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, không để chuyện “bé xé ra to” đã góp phần làm giảm các vi phạm pháp luật phát sinh liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính; góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.

Hiện nay, mỗi tổ hòa giải trên địa bàn huyện Ðiện Biên có từ 3 - 10 hòa giải viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia, gồm: Ðại diện Ban công tác Mặt trận, trưởng bản, bí thư chi bộ, chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi… Các thành viên trong tổ thường xuyên tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về pháp luật, nhất là các lĩnh vực thường gặp như: Hôn nhân và gia đình, đất đai... Khi có vụ việc xảy ra, tổ hòa giải tập hợp các hòa giải viên cùng họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; sau đó hướng dẫn, giúp các bên tự nguyện giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của hòa giải viên, không để mâu thuẫn phát sinh gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Nhờ phát huy vai trò của các tổ hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn kết tình làng nghĩa xóm trên địa bàn huyện.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top