Hiệu quả Ðề án Giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống ở Ðiện Biên Ðông

09:34 - Thứ Sáu, 22/03/2019 Lượt xem: 12185 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê, từ năm 2010 trở về trước, tình trạng hôn nhận cận huyết thống trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông chiếm tỷ lệ cao. Có những năm tỷ lệ này chiếm gần 20% tổng số các cặp đôi kết hôn. Ðiều này ảnh hưởng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và là một trong những lực cản phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” (gọi tắt là Ðề án) đến nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực.

 

Cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện phối hợp với xã Xa Dung tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết thống đến người dân.

Thực hiện Ðề án, huyện Ðiện Biên Ðông triển khai trên địa bàn toàn huyện; trong đó tập trung tại 3 xã trọng điểm: Xa Dung, Háng Lìa và Phì Nhừ. Ðây là những xã vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số chiếm đa số và là điểm “nóng” về tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Sau 4 năm, với những cách làm hay, phù hợp thực tế, hôn nhân cận huyết trên địa bàn từng bước được đẩy lùi.

Trước đây, Xa Dung là một trong những xã có hôn nhân cận huyết thống chiếm tỷ lệ cao nhất huyện. Ông Mùa A Già, cán bộ tư pháp xã Xa Dung, cho biết: Tình trạng hôn nhân cận huyết thống chủ yếu diễn ra trong cộng đồng dân tộc Mông. Có những năm không dưới 10 cặp vợ chồng lấy nhau là anh em họ hàng. Nguyên nhân là do những hủ tục đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân như lấy vợ, lấy chồng sớm để gia đình có thêm người làm; lấy vợ, lấy chồng chung huyết thống để giữ của cải trong gia đình, trong dòng tộc… Trong khi đó, chính quyền địa phương khó kiểm soát, vì hầu hết các cặp đôi cưới nhau, sinh con xong mới đi đăng ký kết hôn. Ðiều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số của xã, làm suy giảm giống nòi. Ví như trường hợp vợ chồng Lầu A Phía và Sùng Thị Di, bản Thẩm Mý B, xã Xa Dung. Năm 2014, anh Phía lấy chị Di là con của dì (mẹ Phía là chị gái của mẹ Di). Ðến nay, vợ chồng anh Phía đã có với nhau 1 con gái gần 2 tuổi, mà chưa biết đi; thể trạng của bé không được khỏe mạnh như bình thường.

Từ năm 2015 trở lại đây, kể từ khi thực hiện Ðề án, chính quyền xã Xa Dung tập trung công tác truyền thông về hệ lụy từ việc hôn nhân cận huyết thống đến người dân trên địa bàn xã, đặc biệt đối với các bậc cha mẹ có con cái trong độ tuổi kết hôn, vị thành niên. Ðến nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Người dân dần ý thức được những hậu quả của việc cưới vợ, chồng cùng huyết thống. 3 năm qua, trên địa bàn xã chỉ xảy ra 2 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Hiệu quả trên địa bàn xã Xa Dung là minh chứng cho sự đúng đắn của Ðề án trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông. Thống kê từ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện cho thấy, kể từ khi triển khai thực hiện Ðề án đến nay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã giảm rõ rệt. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện chỉ có 2 cặp hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn xã Xa Dung; tính từ năm 2017 đến nay không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống (trên số lượng các cặp đăng ký kết hôn).

Ông Vàng A Lồng, Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðể có được kết quả này, chính quyền các cấp đã vào cuộc tích cực; đặc biệt phát huy tối đa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung vào những người ở độ tuổi vị thành niên, nhất là học sinh trong các nhà trường. Ðây là những đối tượng có nguy cơ cao về hôn nhân cận huyết nếu không được giáo dục kịp thời. Bên cạnh công tác tuyên truyền thì việc ngăn chặn, giảm thiểu tối đa số cặp hôn nhân cận huyết thống còn được đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương; đồng thời có sự cam kết của Chủ tịch UBND xã, cấp xã lại yêu cầu trưởng bản chịu trách nhiệm nếu địa bàn xảy ra hôn nhân cận huyết.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top